(HNM) - Sau làn sóng tăng mạnh, lãi suất ngân hàng đã giảm cả ở chiều huy động và cho vay. Đây được coi là nỗ lực lớn của các ngân hàng thương mại, đồng hành, chia sẻ cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành, điều tiết tiền tệ chủ động, linh hoạt, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để cố gắng tìm cách giảm mặt bằng lãi suất.
Lãi suất cho vay đã giảm 1-3%/năm
Theo thống kê, lãi suất cho vay đã giảm 1-3%/năm so với cuối năm 2022. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi có giá trị lớn, như Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dành 100.000 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống và sản xuất, kinh doanh với lãi suất từ 10,3%/năm trong 12 tháng đầu. Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), khách hàng có dư nợ vay bất động sản từ ngày 31-1-2023 gặp khó khăn sẽ được xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ giảm lãi suất tối đa 3%/năm.
Với nhóm ngân hàng cổ phần, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) có gói cho vay ưu đãi trị giá 20.000 tỷ đồng, với mức giảm lãi vay tối đa lên tới 3%/năm. Bên cạnh đó, ACB giảm tối đa 2%/năm lãi suất cho khách hàng vay hiện hữu đến kỳ thay đổi lãi có giao dịch tại ngân hàng. Các ngân hàng thương mại cổ phần: Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), Đông Nam Á (SeABank), Quân đội (MB), Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Tiên Phong (TPBank)… cũng công bố giảm lãi suất cho vay với khách hàng có dư nợ phát sinh mới và hiện hữu.
Điển hình như MB có chương trình ưu đãi lãi suất từ 8,5%/năm đối với khách hàng cá nhân kinh doanh, sản xuất. Techcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất 2%, áp dụng cho toàn bộ doanh nghiệp. VPBank dành 7.000 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 0,5-1,5%/năm lãi suất. SeABank cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi có trị giá 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh.
Trong động thái mới nhất, kể từ ngày 6-3, các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là: Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank giảm 0,2%/năm lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng. Nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần khác giảm 0,5%/năm.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) Nguyễn Quốc Hùng cho hay, việc đồng thuận giảm lãi suất huy động để ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay, kéo mặt bằng lãi suất đi xuống, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi đó, theo Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng, lần này lãi suất cho vay giảm trước và giảm nhanh hơn lãi suất huy động. Lãi suất huy động có thể giảm 0,5% trên toàn hệ thống, nhưng lãi suất cho vay thực tế đã giảm từ 1% đến 3% trong vài tuần qua. Tức là ngân hàng đã chấp nhận hy sinh quyền lợi trước khi giảm lãi suất huy động. Lãi suất không chỉ giảm với doanh nghiệp, mà giảm cả với các khách hàng cá nhân.
Có tiếp tục “hạ nhiệt”?
Câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp quan tâm là liệu thời gian tới, lãi suất có tiếp tục “hạ nhiệt”? Đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định đang tiếp tục đưa lãi suất về mức “dễ thở” hơn với doanh nghiệp, bởi áp lực tăng lãi suất từ thị trường thế giới đã giảm. Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi cũng giúp kích thích nhu cầu tăng trưởng tín dụng.
Theo Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng thương mại cổ phần Bản Việt Nguyễn Thành Nhân, ngân hàng đưa ra các gói hỗ trợ không chỉ cho vay ngắn hạn, mà còn tính toán cho vay cả vốn lưu động, vốn trung và dài hạn, đưa lãi suất giảm dần 1-2%, tùy theo đánh giá tín nhiệm và ngành nghề. Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect dự báo, lãi suất huy động đạt đỉnh vào quý I-2023 và có thể hạ nhiệt kể từ quý II-2023 nhờ áp lực tỷ giá và lãi suất đã giảm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước chủ động hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở hoặc mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối. Ngoài ra, nhu cầu tín dụng chậm lại do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản ảm đạm cũng có thể “hãm” đà tăng của lãi suất. Cũng theo VNDirect, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng có thể giảm xuống 7,5%/năm vào cuối năm 2023, thấp hơn dự báo trước đó là 8-8,5%/năm. Như vậy mặt bằng lãi suất cho vay cũng sẽ hạ theo.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức tín dụng cao hơn cho những ngân hàng có lãi suất cho vay thấp là động lực khiến ngân hàng chủ động giảm một phần biên lãi ròng để có thể nhận được hạn mức phân bổ tín dụng cao hơn trong tương lai.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mục tiêu điều hành là vừa phải giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá. Điều hành chính sách lãi suất phải hài hòa với ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước đang điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.
Tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 2-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, nghiên cứu, giảm mặt bằng lãi suất; tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, xuất khẩu; tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém; bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu phát sinh mới...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.