Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh tay xử lý hàng lậu gắn mác hàng “xách tay”

Hà Dung| 29/10/2020 14:31

(HNMO) -  Thời gian qua, hàng lậu được kinh doanh dưới hình thức hàng “xách tay” tràn lan đã làm thất thu thuế, tác động tiêu cực tới sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực (từ ngày 15-10-2020), với quy định cụ thể và mức xử phạt tăng nặng hơn, giúp lực lượng chức năng xử lý mạnh tay với hàng lậu gắn mác hàng “xách tay”.

Ảnh minh họa.

Đóng cửa hàng, tăng giao dịch trực tuyến

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, sau khi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực hơn một tuần, nhiều cửa hàng chuyên bán hàng “xách tay” đối phó bằng cách gỡ biển, giao dịch với khách hàng kín đáo hơn hoặc chuyển sang hình thức bán hàng online (trực tuyến trên mạng internet). 

Ngày 24-10, có mặt tại “thủ phủ” hàng “xách tay” phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên), phóng viên ghi nhận, nhiều cửa hàng đã gỡ biển hiệu hoặc che lại, nhưng bên trong cửa hàng, giao dịch vẫn diễn ra. Tại cửa hàng HC 32 (ngõ 158 Nguyễn Sơn), cửa cuốn được hạ một nửa, nhân viên cùng chủ hàng đang nhận và đóng hàng giao cho khách. Gần đó, một cửa hàng bán hàng “xách tay” dù đã gỡ biển nhưng khách vẫn ra vào mua hàng. Thấy khách, chủ hàng bước ra đon đả chào mời: “Bên trong vẫn bán hàng nhé. Nếu cần gấp thì vào mua, không thì mua hàng qua Facebook, chị chuyển hàng tận nơi”.

Chị Trần Thu L, chủ một cửa hàng trên phố Nguyễn Sơn cho biết, cơ quan chức năng đi kiểm tra liên tục nên phải đóng cửa. Tuy nhiên, khách quen vẫn gọi điện để mua hàng. Sản phẩm được giới thiệu qua ứng dụng Zalo, mạng xã hội Facebook. Dù doanh thu giảm nhưng cửa hàng vẫn bán hàng theo cách này để tránh bị kiểm tra hóa đơn, chứng từ.

Thực tế, hàng "xách tay" được bán rất phổ biến trên mạng internet. Chỉ cần gõ cụm từ “mua hàng xách tay” trên trang Google, trong 0,58 giây đã có 68,9 triệu kết quả tìm kiếm. Trên mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo, các trang bán hàng trực tuyến…, các mặt hàng “xách tay” được rao bán chủ yếu là mỹ phẩm, đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo, giày dép, túi xách… Đặc biệt, trong các hội, nhóm bán hàng trên mạng như “Hội buôn bán hàng xách tay chất lượng”; “Hàng xách tay USA”…, hàng trăm “gian hàng” online chào bán hàng nghìn sản phẩm đủ loại. Phóng viên nhắn tin đặt sản phẩm túi thơm Lavender “xách tay” từ Pháp, được chủ tài khoản Facebook “Hàng Đức xách tay” tư vấn rất nhiệt tình, hẹn sẽ chuyển hàng tận nơi. Không rõ chất lượng hàng "xách tay" ra sao, nhưng hình ảnh sản phẩm đều có bao bì, nhãn mác nước ngoài mà không có nhãn phụ hay hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt. 

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Luật sư Phạm Thành Tài, Giám đốc Công ty Luật Phạm Danh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, hàng nhập lậu gồm hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; hàng nhập khẩu không có giấy phép nhập khẩu, không đi qua cửa khẩu quy định, không làm thủ tục hải quan hoặc gian lận số lượng, chủng loại hàng hóa khi làm thủ tục hải quan. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ kèm theo cũng được xếp vào diện hàng lậu. Do đó, bán hàng “xách tay” không có hóa đơn, chứng từ, không làm thủ tục hải quan... được xác định là hàng nhập lậu.

Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Kỳ Minh, trước đây, lực lượng quản lý thị trường xử phạt việc kinh doanh hàng “xách tay” không có hóa đơn, chứng từ tương tự như xử lý hàng lậu. Khi Nghị định số 98/2020/NĐ-CP có hiệu lực, hành vi vi phạm được quy định rõ hơn, mức xử phạt hành chính đối với kinh doanh hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc… cũng tăng lên rất nhiều, mức xử phạt có thể lên tới 200 triệu đồng.

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, thời gian qua, Cục đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý nhiều vụ buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, chất lượng, được gọi là hàng “xách tay”. Trong 9 tháng năm 2020, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 4.017 vụ việc, tổng số tiền xử phạt là 103,5 tỷ đồng.

Để hạn chế tình trạng hàng nhập lậu, luật sư Phạm Thành Tài cho rằng, trước tiên cần ngăn chặn sự xâm nhập của hàng lậu từ khâu kiểm soát tại biên giới, đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các kênh bán hàng, đặc biệt là bán hàng online và công khai các cơ sở, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền pháp luật để nâng cao ý thức của người mua cũng như người bán hàng. 

Nhấn mạnh việc tiếp tục “mạnh tay” xử lý hàng nhập lậu, ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng quản lý thị trường từ nay đến cuối năm 2020 là triển khai kế hoạch phối hợp với hải quan, thuế, các đơn vị chức năng khác tăng cường đấu tranh, ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, cũng như các cơ sở kinh doanh gắn mác hàng “xách tay” trên thị trường nội địa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay xử lý hàng lậu gắn mác hàng “xách tay”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.