Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mạnh tay trị "bệnh" chung cư

Nguyễn Đức| 16/12/2015 05:59

(HNM) - Sự việc côn đồ đem theo hung khí tấn công cư dân tại chung cư 4S Riverside Garden (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những tranh chấp trong quản lý, sử dụng, bảo trì các khu chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân.


Được quảng cáo là "thiên đường", "nơi mơ đến, chốn mong về"…, với những điều kiện sống vô cùng dễ chịu, các căn hộ chung cư, từ bình dân tới cao cấp đã được nhiều người nhiệt thành đón nhận. Thế nhưng, chỉ được một thời gian, tại nhiều khu chung cư đã xảy ra tình trạng tranh chấp. Có tranh chấp bùng phát, kéo theo cả cơ quan báo chí vào cuộc, có tranh chấp âm ỉ, dai dẳng. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng chỉ mang tính tình thế, cụ thể để làm dịu tình hình. Tranh chấp tại các khu chung cư vẫn như "căn bệnh" nan y.

Gần đây, căn bệnh này tiếp tục bùng phát mạnh, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tranh chấp giữa chủ đầu tư và các cư dân chủ yếu liên quan tới khoản phí bảo trì 2% giá trị mỗi căn hộ và phân định sở hữu chung, riêng về tầng hầm để xe, khu sinh hoạt chung…

Những tranh chấp này không mới nhưng do nhiều nguyên nhân chưa được giải quyết triệt để. Khúc mắc, mâu thuẫn giữa chủ đầu tư và cư dân vì thế cũng tăng dần, từ "đối tác" chuyển sang "đối địch". Không ít vụ đã xảy ra xô xát, sử dụng côn đồ đe dọa nhau. Chung cư cao tầng là loại hình cư trú được ưa thích ở nhiều thành phố hiện nay với những tiện ích, phù hợp với "túi tiền" người dân.

Thế nhưng quy định pháp lý về lĩnh vực này mới đang "từng bước hoàn thiện" để quản lý chặt chẽ, phù hợp và hiệu quả hơn. Quy định chưa hoàn thiện, trong khi công tác quản lý có vấn đề là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp kéo dài, là mầm mống gây ra mất an ninh, trật tự mà minh chứng rõ nhất là những gì mới xảy ra tại chung cư 4S Riverside Garden. Sau những ồn ào về sở hữu chung, riêng, một trong những tranh chấp nổi cộm hiện nay là về quỹ bảo trì tại mỗi khu chung cư.

Với 2% giá trị mỗi căn hộ, khoản phí bảo trì tại mỗi khu chung cư có thể lên tới cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc quản lý quỹ có vấn đề. Tại nhiều khu chung cư hiện nay, cư dân đấu tranh ròng rã tháng ngày nhưng chưa thấy "mặt mũi" phí bảo trì mình đã đóng đang ở đâu, dù có quy định rõ ràng yêu cầu phải gửi khoản này vào một tài khoản riêng.

Theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Nhà ở, sau khi ban quản trị được thành lập và có văn bản yêu cầu bàn giao kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư đang tạm quản lý thì chủ đầu tư và ban quản trị thống nhất lập hồ sơ quyết toán số liệu kinh phí bảo trì; căn cứ vào số liệu quyết toán do hai bên thống nhất, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển kinh phí bảo trì thuộc diện phải chuyển giao theo quy định cho ban quản trị thông qua hình thức chuyển khoản. Thế nhưng, tại nhiều chung cư, quy định này không được chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc. Theo một số chuyên gia, tại một số chung cư, có thể, khoản tiền lớn này đã bị sử dụng sai mục đích và nay không có khả năng… hoàn trả.

Điều 37, Nghị định 99/2015/NĐ-CP khẳng định, nếu chủ đầu tư không bàn giao, ban quản trị có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố can thiệp theo quy định và nếu cần thiết, UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi để bàn giao cho chủ đầu tư. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần phải thực hiện nghiêm các quy định, mạnh tay xử lý dứt điểm tranh chấp, không để "cái sẩy nảy cái ung".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mạnh tay trị "bệnh" chung cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.