Giữa cái nắng như đổ lửa giữa trưa hè tháng 7, hàng trăm chuyến xe buýt như những con thoi không mệt mỏi tỏa ra khắp các cung đường. Với sự nỗ lực của Thành phố Hà Nội trong phát triển mạng lưới vận tải công cộng, người dân ở mọi vùng miền Thủ đô đã được thụ hưởng tiện ích từ mạng lưới này mang lại, đặc biệt là sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. Trực tiếp trải nghiệm thực tế mới có thể cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa của hệ thống xe buýt...
Hạnh phúc giản đơn
Tuyến buýt 56A (bến xe Mỹ Đình - Núi Đôi) lưng lửng giờ trưa nên khá vắng khách. Ngồi gần hàng ghế cuối, anh Nguyễn Đăng Kiểu thảnh thơi ngắm cảnh bên đường. Hỏi chuyện mới biết anh là cán bộ của một đơn vị chuyên về xuất nhập khẩu thuốc của Bộ Y tế, đang về nhà ở xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Mặc dù có xe riêng, có thể tự lái nhưng xe buýt vẫn là lựa chọn “số một” của anh. Dù xe khá ồn, mất nhiều thời gian nhưng đổi lại là sự nhàn nhã, mát mẻ, sạch sẽ, không phải chịu áp lực khi lái xe, không phải chật vật tìm chỗ đỗ... “Cái gì cũng có tính hai mặt, nhưng đi xe buýt vẫn an toàn. Trong điều kiện nguồn lực của Thành phố còn hạn hẹp, việc phủ sóng xe buýt có trợ giá về các vùng miền của Thủ đô là sự nỗ lực rất lớn của Thành phố, nên tôi ủng hộ xe buýt” - anh Kiểu chân thành nói.
Nguyễn Tác Chiến, sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Phenikaa cũng chọn xe buýt là phương tiện di chuyển từ nhà (xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) đến trường (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông). “Em mua vé tháng, là sinh viên được ưu đãi nên tiết kiệm được tiền đi lại. Nhiều hôm học muộn, lên chuyến xe cuối cùng trong ngày, an tâm làm một giấc là về đến nhà” - Nguyễn Tác Chiến kể.
Khoảng 11h, tuyến 56A cập điểm dừng cuối tại thôn Xuân Dục, xã Tân Minh (huyện Sóc Sơn). Lái xe xuống uống vội chén trà rồi quay đầu xe đi lượt mới. Anh Phạm Minh Quân, người bán hàng nước ngay cạnh điểm dừng đỗ xe buýt tuyến 56A chỉ 4 điểm trông giữ xe máy phía bên kia đường, cho biết, khi trời tang tảng sáng là hàng chục người đã gửi xe máy ở đây, chờ lên chuyến buýt đầu tiên sang nội thành làm việc. “Từ khi có xe buýt trợ giá về quê, người lao động, sinh viên yên tâm đi về trong ngày, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Dù làm xa nhà 40 - 50 cây số nhưng tối họ vẫn được ăn cơm nhà, ngủ ở nhà. Đó chả phải là hạnh phúc sao!” - anh Phạm Minh Quân nói.
Là lái xe buýt mỗi ngày chạy 6 lượt đi/về của tuyến 56A, anh Phạm Ngọc Vĩnh kể, tuyến đầu tiên từ Xuân Dục khởi hành lúc 4h30. Hai chuyến đầu, xe luôn đầy ắp khách. Cả trăm người, ai cũng vội lên xe cho kịp giờ làm trong nội thành. Họ chọn xe buýt vì vé rẻ, được đi sớm, về muộn, xe lại sạch sẽ, mát mẻ, an toàn...
Lan tỏa những điều nhân văn
Lên tuyến buýt 70B (Bến xe Mỹ Đình - Phú Cường, huyện Ba Vì), dù xe đông ngay từ đầu bến nhưng vẫn chạy như rùa bò để bắt thêm khách. Hỏi người ngồi cạnh, tôi mới biết đây là xe khách của Công ty cổ phần xe khách Hà Tây, tuyến này không được thành phố trợ giá nên giá vé cao. Nhiều hành khách than thở, sốt ruột bởi hành trình ì ạch trong khi trời đã mưa. Không đủ kiên nhẫn, tôi bỏ dở chuyến xe ở điểm Nhổn, lên tuyến buýt số 92 (Nhổn - Phú Sơn, huyện Ba Vì).
Ngồi cạnh tôi là anh Vũ Hồng Quân, hằng ngày đi làm bằng xe buýt với điểm lên ở thị trấn Phúc Thọ và điểm xuống ở Nhổn. Đi xe buýt tuy có hạn chế nhất định về mặt thời gian, nhưng đổi lại được chứng kiến nhiều câu chuyện ý nghĩa. Việc người trẻ nhường ghế cho người già yếu, phụ nữ mang thai hay trẻ nhỏ đã trở thành việc làm thường xuyên của nhiều hành khách. Nét đẹp văn hóa xe buýt đang lan tỏa về các vùng quê. Và quả thật câu chuyện giữa tôi với Quân bị ngắt quãng vì anh nhường ghế cho một người tàn tật, bị cụt cả hai tay vừa lên xe...
Trời càng về tối mưa càng nặng hạt. Bà Ngô Thị Xuân (56 tuổi) kể, dù đã “xế tuổi” rồi nhưng bà vẫn đi làm công nhân cho một công ty sản xuất cồn, rượu ở xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ). Nhà bà Xuân ở thị trấn Tây Đằng (Ba Vì), cứ sáng sáng đạp xe ra gửi ở gần điểm dừng xe buýt rồi lên xe tuyến 92. “Tiện đường, tiện xe, tôi mua vé tháng nên chi phí không đáng là bao. Không có xe buýt chắc tôi không đi làm được...” - bà Xuân vui vẻ nói.
Xe 29B - 196.54 đến điểm cuối ở Nghĩa trang Yên Kỳ (xã Phú Sơn, Ba Vì) khi trời đã nhá nhem và quay đầu tiếp cuộc hành trình ngược lại. Xe vắng khách, tài xế vui chuyện. Hành trình Nhổn - Phú Sơn khoảng 50km, bám theo trục quốc lộ 32. Xe qua nhiều khu dân cư ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì nên sáng và chiều rất đông người đi; hành khách ngày càng đa dạng, không chỉ có sinh viên như trước. “Vé xe rẻ, đi lại tiện lợi, nhiều người mang rau, quả nhà trồng lên cho con, cháu; thấy họ khệ nệ xách, chúng tôi lại giúp. Ai không biết bắt tuyến buýt nào đến với con cháu, chúng tôi lại gọi điện hỏi anh em trên luồng tuyến để hướng dẫn. Với chúng tôi, việc này thật đơn giản, nhưng để khách tự mò mẫm là cả một vấn đề”. Chia sẻ của người lái xe giúp tôi hiểu rằng, họ đang đặt mình vào vị trí của khách để phục vụ tốt hơn.
Cũng là tuyến luôn đông khách, tuyến buýt 103B (Bến xe Mỹ Đình - Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) vào cuối tuần và dịp hội chùa Hương chật như nêm... Làm kinh doanh tự do, có kho hàng ở quận Hà Đông nên sáng nào anh Tú cũng đón xe buýt ở điểm xã Hòa Phú và xuống xe ở đường Trần Phú (quận Hà Đông). Trước đây không có xe buýt trợ giá nên anh phải đi xe khách hoặc xe buýt Bảo Châu, mỗi ngày mất 50.000 - 60.000 đồng. Nay mua vé tháng tuyến 103, đi cả tháng chỉ bằng trước đây đi 2 ngày, nên anh Tú “làm bạn” với buýt.
Còn với ông Hải (77 tuổi, ở xã Lưu Hoàng, huyện Ứng Hòa) vốn được miễn vé xe buýt nên 5 năm nay ông đều đi xe buýt ra Bệnh viện Tim Hà Nội để khám, lấy thuốc. Thuận tiện, an toàn, ông Hải tự đi mà không cần con, cháu đi cùng...
Là người gắn bó với tuyến buýt 103 từ ngày đầu mở tuyến (năm 2017), lái xe Trần Phong Thi chứng kiến việc người dân hào hứng đón nhận xe buýt ngay từ ngày đầu. Đến nay, xe buýt được hầu hết người dân biết và tìm đến; số người được miễn vé đi xe buýt có khi chiếm đến 50%. “Xe buýt trợ giá thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho bà con. Mỗi sáng, nhìn cả đoàn người cao tuổi xếp hàng lên xe vào nội thành, chủ yếu để đi khám bệnh, mới thấy chính sách trợ giá xe buýt của Thành phố thật nhân văn...” - anh Thi nhận xét.
Mong mỏi xe buýt trợ giá của thành phố về đến các tuyến đường liên huyện, liên xã có lẽ là suy nghĩ của nhiều người. Chung niềm mong mỏi ấy, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú Đinh Công Võ chia sẻ: “An Phú là xã miền núi duy nhất của huyện Mỹ Đức, hiện chỉ có xe buýt Bảo Châu - xe của doanh nghiệp tư nhân hoạt động - nên chi phí đi lại rất đắt đỏ. Chúng tôi mong chờ xe buýt trợ giá của Thành phố lắm!”.
Xe buýt Thủ đô đang ngày càng thân thiện, phục vụ đắc lực cho số đông người dân. Không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân, xe buýt còn giúp người dân tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể và luôn yên tâm với “người bạn” trong hành trình mỗi ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.