Giao thông

Xe buýt: Phải đúng giờ!

Tuấn Lương 29/06/2023 - 08:00

Dịch vụ xe buýt vẫn chưa đủ hấp dẫn hành khách do thời gian chuyến đi chưa được bảo đảm. Đó chính là điểm mấu chốt cần sớm được giải quyết.

xebuyt.jpg
Hành khách chờ xe buýt tại điểm trung chuyển Long Biên (quận Ba Đình). Ảnh: Nguyễn Quang

Những năm qua, mạng lưới xe buýt của thành phố Hà Nội đã từng bước đa dạng hóa loại hình và mở rộng vùng phục vụ. Các đơn vị quản lý và vận hành xe buýt của Thủ đô cũng đã nỗ lực đầu tư đổi mới đoàn phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành nhằm phục vụ hành khách ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, dịch vụ xe buýt vẫn chưa đủ hấp dẫn hành khách do thời gian chuyến đi chưa được bảo đảm. Đó chính là điểm mấu chốt cần sớm được giải quyết.

Khó thu hút vì... sai giờ

Điều gì khiến xe buýt Thủ đô chưa thực sự hấp dẫn, thậm chí gây khó khăn cho hành khách? Trước câu hỏi này, hầu hết hành khách có chung đáp án là thời gian chuyến đi chưa bảo đảm, không ít chuyến đi bị chậm giờ, thậm chí có cả những chuyến đi còn bị thay đổi hành trình vì lý do bất khả kháng là tắc đường.

Cũng chính vì thời gian chuyến đi chưa bảo đảm nên xe buýt dần bị gán cho cái mác là phương tiện di chuyển chủ yếu của học sinh, sinh viên và đặc biệt là những người không bị áp lực về thời gian. Trong khi đó, cán bộ, công chức, người lao động chưa dám chọn xe buýt vì sợ muộn giờ làm (ngoại trừ tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa do có làn đường riêng nên tính đúng giờ bảo đảm hơn).

Bà Nguyễn Thị Hoa (khu chung cư 250 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Tôi thường đi xe buýt tuyến số 19 từ phố Minh Khai vào Hà Đông. Thông thường chỉ mất khoảng 40 phút nhưng cũng có những chuyến đi kéo dài hơn 1 giờ do ùn tắc tại khu vực Ngã tư Sở và đường Nguyễn Trãi. Nếu không bị chậm, muộn thì chắc là sẽ đông người chọn xe buýt vì kết nối được nhiều tuyến, lại an toàn và rẻ nữa”.

Giải thích nguyên nhân khiến cho thời gian chuyến đi của hành khách chưa được bảo đảm, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội Thái Hồ Phương chỉ rõ, xe buýt vẫn đang phải vận hành chung và phụ thuộc nhiều vào dòng giao thông hỗn hợp. Tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên trên các tuyến, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm đã làm cho tốc độ lưu thông của xe buýt giảm xuống. Việc tổ chức giao thông phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố tiếp tục được triển khai cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác vận hành và chất lượng dịch vụ của xe buýt. Biểu đồ bị phá vỡ, thời gian chờ đợi và thời gian di chuyển của hành khách bị kéo dài, làm giảm tính hấp dẫn của dịch vụ xe buýt.

Mấu chốt vẫn là... giờ giấc

Một số chuyên gia cho rằng, những năm qua, mạng lưới xe buýt Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc với việc tăng độ “phủ sóng” xe buýt trợ giá tới toàn bộ 30/30 quận, huyện, thị xã; đoàn phương tiện liên tục được thay mới. Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc phát triển buýt nhanh BRT và buýt sử dụng nhiên liệu sạch (xe buýt điện và xe buýt CNG); tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và điều hành.

Tuy nhiên, dù có đầu tư phát triển đến đâu đi nữa nhưng nếu không đúng giờ thì xe buýt vẫn khó hấp dẫn hành khách. Chỉ rẻ và tiện thôi là chưa đủ mà còn phải lợi thì tự hành khách sẽ lựa chọn. Cho nên cải thiện tiêu chí đúng giờ, rút ngắn thời gian chuyến đi của hành khách vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Để làm được điều này đòi hỏi thành phố phải có cơ chế ưu tiên cho xe buýt về hạ tầng.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) Nguyễn Thủy cho biết, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, tổng công ty đã kiến nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội và Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội tiếp tục khảo sát, rà soát hợp lý hóa lộ trình đối với các tuyến buýt nhằm tránh các điểm ùn tắc giao thông, giảm thời gian chuyến đi của hành khách.

Đồng thời, Transerco kiến nghị sớm nghiên cứu, khảo sát và lựa chọn triển khai thí điểm làn đường ưu tiên cho xe buýt trên một số tuyến trục đủ điều kiện nhằm bảo đảm xe buýt vận hành an toàn, đúng giờ, qua đó ngày càng hấp dẫn và thu hút người dân sử dụng dịch vụ. Đó cũng là cơ sở để hạn chế dần các phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc.

Để nâng cao sản lượng hành khách công cộng bằng xe buýt, ông Thái Hồ Phương cho rằng, về lâu dài, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau (tổ chức làn đường riêng cho xe buýt; đầu tư hạ tầng điểm trung chuyển; đầu tư hệ thống thẻ vé điện tử, hệ thống giao thông thông minh…).

Trước mắt, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội đã cùng các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh hợp lý hóa 8 tuyến buýt nhằm tránh ùn tắc giao thông. Cùng với đó, trung tâm đã báo cáo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu tổ chức thí điểm từ 1 đến 2 làn đường ưu tiên cho xe buýt; đồng thời tổ chức ưu tiên cho xe buýt đi qua các nút giao để bảo đảm không làm phát sinh cự ly và thời gian chuyến đi của hành khách.

Mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour).

Mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã (đạt 100%); 512/579 xã, phường, thị trấn (đạt 88,4%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông (đạt 67%); 27/27 khu công nghiệp lớn (đạt 100%); 33/37 khu đô thị (đạt 89,2%); 23/24 làng nghề (đạt 95,8%); 23/25 khu di tích lịch sử, khu văn hóa, khu du lịch (đạt 92%).

Xe buýt Thủ đô cũng đã kết nối với 7 tỉnh lân cận (Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xe buýt: Phải đúng giờ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.