Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mâm cơm sạch”, mục tiêu vẫn còn xa

Vũ Vân| 04/02/2012 07:18

(HNM) - Theo báo cáo của ngành y tế, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm. Tại Hà Nội, kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố; thanh, kiểm tra của Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) các cấp cũng cho thấy, công tác bảo đảm ATVSTP có chuyển biến. Những tín hiệu này liệu đã khiến người tiêu dùng an tâm rằng, bữa cơm gia đình, thức ăn đường phố đã sạch hơn?

Chọn đúng "điểm rơi"

Trong điều kiện không thể tập trung sức cho việc bảo đảm ATVSTP suốt cả 12 tháng, 11 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo (BCĐ) ATVSTP quốc gia đã chọn một tháng làm điểm. Nhưng khác với mọi năm, năm 2012, Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP được tổ chức sớm hơn và nhằm vào dịp Tết Nguyên đán, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến; hàng trăm món ăn được chế biến để bán cho người tiêu dùng; thời tiết mưa phùn, giá rét tạo điều kiện cho chất mỡ đạm dễ hư hỏng, chất bột dễ ôi thiu, các loại hạt dễ mốc sinh ra các độc tố…

Kiểm tra ATVSTP tại chợ đầu mối Long Biên. Ảnh: TTXVN


Trước và sau Tết, nhiều tục lệ, lễ hội cũng được tổ chức khiến nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làm ăn theo kiểu thời vụ "tranh thủ" thu lợi bằng việc làm hàng giả, hàng kém chất lượng. Chọn đúng "điểm rơi" này, các ngành chức năng đã vào cuộc, tập trung tuyên truyền và kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những vụ vi phạm. Kết quả là, theo báo cáo của hệ thống trực ATVSTP 63 tỉnh, thành phố và khu vực toàn quốc, chưa ghi nhận vụ ngộ độc (từ hai người mắc trở lên hoặc có người chết do ăn thực phẩm bị ô nhiễm) và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm xảy ra. Tại BV Bạch Mai chỉ có một vài ca lẻ tẻ bị ngộ độc thực phẩm và rượu đến khám và điều trị; BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), BV C Đà Nẵng, BV Đa khoa Cần Thơ chưa ghi nhận ca ngộ độc nào. Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định: "Số lượng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm giảm nhiều so với Tết Tân Mão 2011 và không có trường hợp nào tử vong".

Tại Hà Nội, dân số đông (7 triệu người) lại là đầu mối giao thông và có số lượng lớn người dân ở các địa phương đến sinh sống, học tập, buôn bán nên công tác ATVSTP đặc biệt được chú trọng. Ngay sau lễ phát động Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, 6 đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đã kiểm tra toàn diện trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã. Cũng dịp này, Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND TP) đã triển khai hoạt động giám sát về công tác bảo đảm ATVSTP. Theo đánh giá của các đoàn giám sát, các ngành đã tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSTP; công tác tuyên truyền, giáo dục, truyền thông đã góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng; công tác quản lý việc chấp hành các quy định về ATVSTP được thực hiện nghiêm túc như việc cấp giấy chứng nhận, duy trì việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, kiểm tra thú y, giám sát nông dân sản xuất rau an toàn; kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm pháp luật về ATTP. Kết quả của những nỗ lực trên, trong năm 2011 và tháng 1 năm 2012, trong đó có 9 ngày nghỉ Tết, toàn thành phố không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Tình trạng vi phạm ATVSTP chưa phải đã hết. Ảnh: Phương Thảo

Thoát cấp tính nhưng vẫn bị mạn tính

Dù không có ca ngộ độc do thực phẩm nào được ghi nhận nhưng không thể nói rằng, thực phẩm đã sạch. Theo báo cáo kết quả công tác ATTP thành phố Hà Nội đến ngày 1-2, mới chỉ có 62,3% cơ sở chăm nuôi được kiểm soát ATTP. "Đầu vào" của chăn nuôi là sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi; kinh doanh thuốc thú y thì mới có lần lượt là 83,3%, 49,5% và 72,4% cơ sở được kiểm soát. Vùng trồng rau an toàn mới đạt 27%, dù đã tăng 5% so với năm 2010. Đáng nói là mới chỉ có 0,3% cơ sở nuôi trồng thủy sản được kiểm soát ATTP. Mới chỉ có 2 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở trồng trọt và 1 cơ sở nuôi trồng thủy sản xây dựng và hình thành mô hình chuỗi ATTP. Kết quả kiểm tra của BCĐ ATVSTP các cấp cũng cho thấy, tuy tỷ lệ số cơ sở vi phạm tuyến thành phố giảm, chỉ còn 19,5% so với năm 2010 là 24,4%; tuyến cơ sở cũng giảm chỉ còn 15,5% (năm trước là 19,8%) nhưng tỷ lệ mẫu xét nghiệm không đạt tiêu chuẩn về hóa lý đều tăng. Đoàn giám sát của HĐND TP vừa qua cũng nhận định, tình trạng vi phạm về sử dụng phụ gia thực phẩm vẫn còn; thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng vẫn lưu thông trên thị trường; còn 33% số cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; hoạt động giết mổ gia cầm, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ manh mún vẫn còn; công tác quản lý dịch vụ ăn uống, thực phẩm đường phố gặp nhiều khó khăn.

Còn tại các tỉnh phía nam, tình hình ngộ độc thực phẩm có giảm hơn so với năn trước, nhưng số vụ ngộ độc về hóa chất chiếm tới 50%.

Điều này có thể "lý giải" được bởi theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TP Hồ Chí Minh thì trong số các mẫu thực phẩm kiểm tra trong năm qua có 27% mẫu nước tương, tương ớt nhiễm vi sinh; 50% nước uống đóng bình nhiễm vi sinh; 40% bánh canh, bún nhiễm hóa chất; 50% tương các loại nhiễm vi sinh; 33% bột ớt, hạt dưa nhiễm rhodamine B…

Không có vụ ngộ độc thực phẩm, có nghĩa là không có ngộ độc cấp tính, nhưng với thực trạng trên và như nhận định của Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội: "Hầu hết chính quyền các địa phương chưa chủ động quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả, chè an toàn cũng như hoạt động kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; các chất cấm trong chăn nuôi vẫn được một số hộ dân sử dụng" và theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa thì ngộ độc mạn tính vẫn là nguy cơ hiện hữu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Mâm cơm sạch”, mục tiêu vẫn còn xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.