Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mali đối mặt với bất ổn sâu rộng

Trung Hiếu| 24/03/2012 05:29

(HNM) - Vụ binh biến ở Mali đang tạo cơn chấn động mạnh trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Lo ngại dấy lên không chỉ ở quốc gia Tây Phi này mà cuộc khủng hoảng chính trị với nhiều nhân tố bất ổn này đã và đang đe dọa đến sự phát triển của cả khu vực.

Ngày 21-3, ngay sau khi các binh sĩ tham gia đảo chính ở Mali, tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước và sẽ hướng tới chuyển giao quyền lực, dư luận đã có những phản ứng tức thì.

Cuộc binh biến ở Mali đang đẩy quốc gia này tới bất ổn sâu rộng.

Ngày 22-3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động nổi loạn tại Mali. Tuyên bố kêu gọi Mali lập tức lập lại Hiến pháp và chính phủ dân bầu; đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, tránh bạo lực. Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) cũng ra tuyên bố khẳng định, hành động đảo chính của binh sĩ tại Mali hoàn toàn đi ngược lại và phá hoại nghiêm trọng các thành quả mà ECOWAS rất khó mới đạt được một nền hòa bình và phát triển cho Mali trong hai thập kỷ qua. Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) thông báo đã "đóng băng" viện trợ phát triển cho Mali sau vụ binh biến. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đang xem lại khoản viện trợ hằng năm cho Mali trị giá gần 140 triệu USD sau vụ binh biến...

Ngày 23-3, trước tình hình an ninh hiện nay tại Cộng hòa Mali, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết đã đề nghị Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Hà Nội và tại Mali có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Mali.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo cho cán bộ, nhân viên và người thân đang sinh sống, làm việc tại Mali liên hệ với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Mali theo địa chỉ Hamdallaye ACI 2000, BP E 288, Bamako, Mali (Điện thoại: +223.2.029.7697 hoặc +223.2.029.7698) để được trợ giúp sơ tán đến khu vực an toàn hoặc về nước trong trường hợp khẩn cấp.

Thanh Hải

Rõ ràng, hành động của nhóm binh sĩ nổi loạn tự xưng là "Ủy ban Khôi phục dân chủ quốc gia" (CNRDR) đang gây bất bình lớn trong dư luận quốc tế. Xảy ra chỉ một tháng trước khi Tổng thống Mali Amadou Toumani Toure dự kiến sẽ rút lui sau hai nhiệm kỳ giữ chức, vụ binh biến được châm ngòi sau khi Bộ trưởng Quốc phòng mới được bổ nhiệm Sadio Gassama bị một nhóm binh lính phản đối dữ dội trong chuyến thị sát một doanh trại quân đội cách thủ đô 15km. Sau đó, các binh sĩ này đã tràn vào thủ đô, bắn chỉ thiên và lật đổ Tổng thống đương nhiệm.

Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, sự phản đối người đứng đầu Bộ Quốc phòng vừa được bổ nhiệm của binh lính chỉ là "giọt nước tràn ly". Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc đảo chính được cho là do cách xử lý, điều hành của Tổng thống A.T.Toure trước vấn đề đòi độc lập của cộng đồng Tuareg ở Mali. Xung đột vũ trang đã bùng phát ở miền Bắc Mali kể từ khi người Tuareg đòi độc lập, khiến hàng trăm nghìn người Mali phải chạy sang các nước láng giềng để lánh nạn. Trong nhiều tuần qua, việc chính phủ từ chối cấp thêm vũ khí để đối phó với các nhóm đòi độc lập của cộng đồng Tuareg có vũ trang ở miền Bắc, khiến các binh sĩ nổi giận. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, song theo các nguồn tin, nhiều binh sĩ Mali đã thiệt mạng hoặc phải bỏ trốn do không thể đối đầu với lực lượng của người Tuareg.

Cuộc đảo chính tại quốc gia Tây Phi cho thấy một "vết thủng" mới ở Châu Phi sau hàng loạt biến cố tại Lục địa đen thời gian gần đây. Dư luận e ngại vụ tiếm quyền bằng bạo lực ở Mali sẽ châm ngòi cho những "vụ nổ mới" trong khu vực vốn đang tồn tại không ít nhóm vũ trang vô chính phủ đang hoạt động.

Hiện tại, chưa thể dự báo tình hình Mali sẽ xoay vần theo chiều hướng nào sau vụ đảo chính. Nhưng điều có thể thấy rõ ngay vào lúc này là một cuộc khủng hoảng nhân đạo sâu rộng đang cận kề ở Mali. Thêm nữa, nhóm binh sĩ nổi loạn vừa tiếm quyền sẽ càng kéo dài khoảng cách đàm phán giữa Chính phủ Mali với nhóm vũ trang Tuareg đòi thành lập một nhà nước độc lập; đẩy quốc gia này đến một tương lai chưa có lối thoát.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mali đối mặt với bất ổn sâu rộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.