Thế giới

Mali, Burkina Faso và Niger rút khỏi ECOWAS: Chấn động an ninh khu vực

Thế Hiệp 31/01/2024 - 07:39

Căng thẳng tại khu vực Tây Phi vốn đã gia tăng trong những năm gần đây sau một loạt vụ đảo chính, nay lại có thêm dấu hiệu phức tạp khi Mali, Burkina Faso và Niger ra tuyên bố chung về việc rút khỏi Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).

Đây là bước ngoặt mới nhất kể từ khi 3 quốc gia nói trên cắt đứt quan hệ quân sự với Pháp và các quốc gia châu Âu khác, đồng thời tự thành lập liên minh an ninh.

tay-phi.jpg
An ninh tại khu vực Tây Phi đang ngày càng bất ổn.

Trong tuyên bố được đọc trên truyền hình quốc gia, Mali, Burkina Faso và Niger bày tỏ thất vọng khi cho rằng, ECOWAS đã rời xa lý tưởng của những người sáng lập và chủ nghĩa liên châu Phi sau gần 50 năm tồn tại. Người phát ngôn chính quyền Niger cho rằng, ECOWAS đã không hỗ trợ cho các quốc gia Tây Phi này chống lại các mối đe dọa “hiện hữu” như khủng bố - lý do phổ biến được quân đội của Mali, Burkina Faso và Niger viện dẫn để lật đổ Chính phủ. Tuyên bố lưu ý, khi các quốc gia này quyết định tự “nắm giữ vận mệnh”, ECOWAS đã áp dụng một quan điểm phi lý là áp đặt các biện pháp trừng phạt làm suy yếu thêm những nhóm dân cư vốn đã bị tổn thương sau nhiều năm xung đột.

Việc Mali, Burkina Faso và Niger rút khỏi ECOWAS diễn ra sau khi cuộc họp giữa chính quyền quân sự Niger và tổ chức kinh tế, chính trị lớn nhất khu vực thất bại. Đây được cho là cú giáng mạnh nhất vào ECOWAS trong bối cảnh bất ổn tại Tây Phi ngày càng trở nên phức tạp.

Được thành lập vào năm 1975 với mục tiêu “thúc đẩy hợp tác và hội nhập nhằm nâng cao mức sống của người dân” tại các quốc gia thành viên, ECOWAS thường xuyên hợp tác với các quốc gia để giải quyết thách thức trên nhiều mặt trận từ chính trị đến kinh tế và an ninh. Tuy nhiên, những năm gần đây, tổ chức này đã phải chật vật để đảo ngược làn sóng đảo chính tràn lan trong khu vực. Nhiều nhận định cho rằng, ECOWAS đang nhanh chóng đánh mất thiện chí và sự ủng hộ từ người dân Tây Phi, bởi họ coi khối này không đại diện cho lợi ích của đa số người dân mà chỉ phục vụ các mục đích của tầng lớp lãnh đạo. Ngoài ra, những năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực vẫn chưa được cải thiện như kỳ vọng.

Trong số 15 nước thành viên ECOWAS, có 4 quốc gia gồm Mali, Burkina Faso, Niger và Guinea hiện do quân đội nắm quyền kiểm soát sau các cuộc đảo chính từ năm 2020. Sierra Leone ngăn chặn kịp thời âm mưu đảo chính ngày 30-11 vừa qua.

Hiệp ước ECOWAS quy định rằng, các quốc gia thành viên muốn rời khỏi khối phải gửi thông báo bằng văn bản trước một năm. Khi kết thúc thời hạn theo quy định, quốc gia đó mới chính thức không còn là thành viên của cộng đồng. Trong thời gian một năm, quốc gia dự định từ bỏ tư cách thành viên vẫn phải tuân thủ các nghĩa vụ chung theo thỏa thuận. Tuy nhiên đến nay, ECOWAS vẫn chưa nhận được thông báo bằng văn bản từ Mali, Burkina Faso và Niger. Các nhà phân tích cho rằng, ECOWAS có thể sẽ tìm kiếm một cuộc đối thoại liên tục với chính quyền 3 quốc gia nói trên để bảo đảm sự ổn định của khu vực.

Hiện, tại Tây Phi, các cuộc xung đột địa phương và xuyên biên giới ngày càng gia tăng. Nhiều nhóm vũ trang, nhóm cực đoan hình thành. Xu hướng này lan rộng hơn do sự phổ biến các loại vũ khí thông thường bất hợp pháp, nhất là vũ khí hạng nhẹ, đạn dược và chất nổ, vốn thường được sử dụng trong các hoạt động khai thác vàng trái phép và các vụ tấn công, bạo lực. Số liệu thống kê cho thấy, các nhóm vũ trang vô chính phủ ở châu Phi nắm giữ hơn 40 triệu vũ khí hạng nhẹ, chiếm gần 80% số vũ khí lưu hành trên lục địa này, trong khi các lực lượng quốc phòng và an ninh chỉ nắm giữ chưa đến 11 triệu vũ khí hạng nhẹ.

Tình hình càng trở nên phức tạp sau khi Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA) đã hoàn tất rút quân khỏi quốc gia Tây Phi này. Trước đây, Niger từng là đối tác quan trọng của các nước phương Tây, nhưng kể từ sau cuộc đảo chính, nước này đã thu hồi các hiệp ước an ninh với Liên minh châu Âu (EU) và Pháp. Quân đội Pháp cũng đã rút hoàn toàn khỏi Niger từ cuối tháng 12-2023.

Những "lỗ hổng” an ninh cùng với tình trạng khủng hoảng sau đảo chính ở một số quốc gia Tây Phi đang đặt ra nhiều thách thức cho khu vực. Không chỉ tăng cường hợp tác để giải "bài toán an ninh", các nước Tây Phi cần một giải pháp tổng thể, trong đó bao gồm cả các biện pháp phát triển kinh tế, duy trì trật tự, ổn định xã hội cho toàn khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mali, Burkina Faso và Niger rút khỏi ECOWAS: Chấn động an ninh khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.