Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh: Doanh nghiệp cần cú hích về công nghệ; “Chương trình 9+” - Thêm cánh cửa cho học sinh sau trung học cơ sở; Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2025-2030 tại Hà Nội: Bảo đảm tiến độ và chất lượng; Ghi dấu văn hóa Việt trên bản đồ âm nhạc toàn cầu; Đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%… là những thông tin đáng chú ý trên báo in Hànộimới số ra ngày 6-7-2025.
Tiêu dùng bền vững hướng đến kỷ nguyên xanh:
Doanh nghiệp cần cú hích về công nghệ
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, việc "xanh hóa" sản xuất và tiêu dùng đã trở thành xu hướng tất yếu.
Năm 2023, hành trình "xanh" của Vinamilk đã được nhấn mạnh thông qua việc Vinamilk công bố lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero), với chương trình hành động "Vinamilk Pathway to Dairy Net Zero 2050".
Ở góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Unilever Việt Nam Lê Thị Hồng Nhi chia sẻ, Unilever kỳ vọng Nhà nước sẽ sử dụng quỹ môi trường để đầu tư cho công nghệ tái chế hiện đại và có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong sản phẩm, bao bì.
Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Thị Bích Hường cho biết, VINASME đang xây dựng bộ tiêu chí ESG (Tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) riêng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công nghệ chính là chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu ESG.
“Chương trình 9+” - Thêm cánh cửa cho học sinh sau trung học cơ sở
Tại Hà Nội, năm học 2025-2026 có khoảng 64% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đủ điều kiện học tại các trường trung học phổ thông công lập. Số còn lại được phân luồng học trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường trung cấp, cao đẳng để vừa học nghề, vừa học văn hóa (gọi tắt là chương trình 9+).
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2025-2026, số lượng học sinh và phụ huynh đến tư vấn tại các trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh chương trình 9+ tăng đáng kể. Theo thống kê của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ học sinh theo học chương trình 9+ tốt nghiệp có việc làm ngay trong những năm qua đạt trên 70%.
Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các trường trung học cơ sở, các xã, phường tổ chức tư vấn hướng nghiệp sớm để đưa thông tin về chương trình 9+ sâu rộng tới học sinh, phụ huynh học sinh cuối cấp trung học cơ sở.
Đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2025-2030 tại Hà Nội:
Bảo đảm tiến độ và chất lượng
Thực hiện các chỉ thị và hướng dẫn của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo sát sao việc tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, công tác chuẩn bị đại hội đảng cấp cơ sở tại Hà Nội được triển khai một cách chủ động, bài bản, nghiêm túc theo Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 14-4-2025 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 329-KH/TU ngày 15-5-2025 của Thành ủy Hà Nội.
Công tác nhân sự các đại hội cấp cơ sở được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, đúng quy trình theo Chỉ thị số 45-CT/TƯ và các quy định liên quan. Các ban chấp hành khóa mới được bầu với số lượng và cơ cấu hợp lý.
Mặc dù trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng” thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, song đại hội đảng cấp cơ sở thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra thành công tốt đẹp, bảo đảm tiến độ và chất lượng.
Ghi dấu văn hóa Việt trên bản đồ âm nhạc toàn cầu
Trào lưu đưa yếu tố văn hóa, nghệ thuật dân gian vào âm nhạc đương đại không chỉ “bùng nổ” trong nước, mà còn dần vươn ra thế giới.
Những ngày qua, ca sĩ Phương Mỹ Chi gây chú ý trên đấu trường quốc tế khi tham gia sân chơi Sing!Asia. Điều tạo nên dấu ấn riêng của Phương Mỹ Chi chính là việc mang đậm bản sắc Việt vào từng phần trình diễn.
Còn nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, từ 10 năm trước, đã lập Dàn nhạc Dân tộc Sức Sống Mới để lan tỏa âm nhạc truyền thống trong đời sống hiện đại cũng như giới thiệu, quảng bá âm nhạc Việt ra thế giới.
Việc chính thức phát hành album “Về Kinh Bắc” trên nền tảng nhạc số, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng trong hành trình kết nối di sản với thời đại mới của Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.
Đồng bộ nhiều giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025.
GDP quý II-2025 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II-2022 trong giai đoạn 2020-2025.
Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nếu xét về sản xuất là từ công nghiệp và ngành dịch vụ thị trường. Còn nếu xét về cầu thì đầu tư có mức tăng ấn tượng với mức tăng đầu tư chung của toàn xã hội là 9,8%, đăng ký vốn đầu tư nước ngoài cũng là con số đáng ghi nhận, tăng trên 32% so với cùng kỳ năm trước, quy mô là hơn 21,5 tỷ USD.
Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) Nguyễn Thị Hương cho rằng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% trong năm 2025 là thách thức lớn. Để đạt được cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, nhân dân và sự ủng hộ, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.