Thế giới

Mỹ luật hóa gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện:Tuyên ngôn điều hành của Tổng thống Donald Trump

Hoàng Linh (Theo NBC News, Washington Post) 06/07/2025 - 07:10

Việc Mỹ vừa thông qua đạo luật về cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện được nhận định sẽ tạo ra bước ngoặt lớn không chỉ đối với nền kinh tế mà còn tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, và cũng đối mặt với những luồng dư luận trái chiều.

dau-mo.jpg
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Mỹ sẽ hưởng lợi từ đạo luật mới. Ảnh: Exxon

Ngày 4-7, trong lễ mừng Quốc khánh lần thứ 249 của xứ Cờ hoa tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua đạo luật bảo vệ tài khóa với tên gọi One Big Beautiful Bill Act (OBBBA), mà ông mô tả là “một đạo luật lớn và đẹp đẽ”. Lễ ký diễn ra chỉ một ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật này với tỷ lệ 218 phiếu thuận và 214 phiếu chống.

Nhà Trắng đánh giá, việc thông qua gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện là chiến thắng lập pháp lớn nhất của Tổng thống Donald Trump từ trước tới nay. Quan điểm này được nhiều học giả đồng thuận. "Đây là đỉnh cao trong chuỗi thắng lợi chính trị gần đây của ông Donald Trump", chuyên gia Lanhee Chen của Viện Hoover nhấn mạnh.

Thực tế, ngay sau khi dự luật được thông qua tại Hạ viện Mỹ, Thư ký báo chí Nhà trắng Karoline Leavitt cũng mô tả đây là “sự đúc kết toàn diện tất cả chính sách mà Tổng thống (Trump) đã cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử và người dân Mỹ đã lựa chọn”.

Về nội dung, OBBBA phản ánh các chính sách trọng tâm trong chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump, là tổ hợp của ba đường hướng chính sách: Cắt giảm thuế cho người giàu và doanh nghiệp; giảm phúc lợi xã hội quy mô lớn; và tăng chi tiêu quốc phòng cùng kiểm soát nhập cư. Đạo luật kéo dài các điều khoản cắt giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp sẽ hết hạn vào cuối năm 2025.

Đạo luật cũng đầu tư lớn cho hiện đại hóa quân đội, hệ thống phòng thủ tên lửa (Golden Dome), an ninh mạng và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) quốc phòng. Đạo luật khuyến khích sản xuất khí đốt, dầu mỏ, địa nhiệt và năng lượng hạt nhân, đồng thời hạn chế nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc trong ngành năng lượng và công nghệ cao...

Tuy nhiên, đạo luật mới cũng thu hẹp các chương trình trợ cấp xã hội như Medicaid (chương trình bảo hiểm y tế công nhằm mục đích chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và gia đình có mức thu nhập thấp tại Mỹ), trợ cấp thực phẩm SNAP (chương trình cung cấp trợ cấp thực phẩm cho các cá nhân và gia đình có thu nhập thấp), hay tín dụng thuế trẻ em..., dẫn tới nhiều ý kiến trái chiều.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, luật mới có thể làm tăng nợ quốc gia thêm 3.300 tỷ USD trong thập kỷ tới, trong khi hàng triệu người có thể mất quyền tiếp cận bảo hiểm y tế.

Viện Energy Innovation cảnh báo, việc loại bỏ trợ cấp năng lượng tái tạo sẽ làm mất 830.000 việc làm, đồng thời làm tăng chi phí năng lượng. Dù Nhà Trắng mong đợi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 4-5% nhờ đầu tư và khấu trừ nghiên cứu - phát triển (R&D), nhưng giới phân tích vẫn lo ngại xứ Cờ hoa có thể đối mặt với vòng xoáy nợ, lãi suất tăng, gây ảnh hưởng đầu tư cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch.

Phản ứng trên thị trường tài chính cũng là một minh họa sống động cho việc đạo luật mới còn nhiều tranh cãi. Ngay sau khi luật được ký, lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh vì giới đầu tư lo ngại thâm hụt ngân sách sẽ gia tăng. Moody’s và S&P lập tức cảnh báo có thể xem xét lại xếp hạng tín nhiệm quốc gia của xứ Cờ hoa.

Theo các ý kiến phân tích, những hệ quả của đạo luật có thể đe dọa niềm tin vào đồng USD trong một thế giới tài chính toàn cầu hóa. Cổ phiếu của một số ngành như quốc phòng, dầu khí, công nghệ tài chính lại tăng, cho thấy đây là nhóm tiềm năng được hưởng lợi.

Cũng theo giới quan sát, đạo luật OBBBA là tuyên bố rõ ràng với thế giới rằng, Mỹ sẽ ưu tiên người Mỹ, và sẵn sàng hy sinh trách nhiệm quốc tế để đạt được điều đó. Việc gia tăng thuế nhập khẩu đối với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn - bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico - có thể kích hoạt một làn sóng trả đũa thương mại. Đặc biệt, việc dừng hỗ trợ chi phí mua sắm xe điện bị lo ngại có thể làm rối loạn thị trường ô tô toàn cầu.

Đạo luật mới tiếp tục phản ánh rõ nét chiến lược “nước Mỹ trước tiên” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi từ lâu. Dù còn gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận đạo luật có ý nghĩa to lớn trong giai đoạn nền kinh tế xứ Cờ hoa đang đối mặt nhiều rủi ro như hiện nay. Ở góc độ nào đó, OBBBA không chỉ là một đạo luật tài khóa, mà còn là tuyên ngôn về quan điểm điều hành đất nước của đương kim Tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ lần này của ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ luật hóa gói cắt giảm thuế và chi tiêu toàn diện: Tuyên ngôn điều hành của Tổng thống Donald Trump

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.