(HNM) - Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia. Hội đồng này có nhiệm vụ phân tích tình hình kinh tế - xã hội, mức sống dân cư để xác định, dự báo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; đánh giá tình hình thực hiện mức lương tối thiểu vùng và trên thị trường lao động cũng như khả năng chi trả của doanh nghiệp; xây dựng và khuyến nghị với Chính phủ phương án tiền lương tối thiểu vùng hằng năm và từng thời kỳ…
Thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia là cần thiết, cải cách hệ thống tiền lương là vấn đề cấp bách, nhưng cải cách từ đâu và như thế nào?
Có một thực tế là nhiều năm qua, đồng lương luôn lẽo đẽo chạy theo tốc độ tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Những người thu nhập chỉ dựa vào đồng lương có cuộc sống vô cùng chật vật, nếu không muốn nói họ thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Nhà nước đã nhiều lần tiến hành cải cách chính sách tiền lương, nhưng khoảng chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu vẫn chưa được khỏa lấp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, những người chỉ sống bằng tiền lương sẽ ngày càng nghèo hơn. Đối với nhiều người lao động, chỉ còn cách làm thêm giờ (làm thêm những công việc phụ khác) để có thêm đồng ra đồng vào toan lo cho cuộc sống và điều đó cũng kéo theo không ít hệ lụy.
Một vấn đề nữa, hiện nay đang xảy ra tình trạng khá phổ biến là nhiều doanh nghiệp không tính đúng, tính đủ lương cho người lao động. Doanh nghiệp áp mức lương tối thiểu xuống sát mức Nhà nước quy định và buộc người lao động phải làm việc với cường độ cao. Chưa kể tình trạng nhiều doanh nghiệp chia nhỏ thang lương, trả lương cho lao động kỹ thuật cao hơn một chút hoặc bằng với lương tối thiểu, tăng phụ cấp nhưng lại cắt giảm các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Nói chung, doanh nghiệp có nhiều cách nhằm giảm trừ lương và tước đoạt quyền lợi của người lao động, trong khi đó, vì nhiều lý do, các cơ quan quản lý nhà nước không thể giải quyết triệt để vấn nạn này.
Làm thế nào để cân đối quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động là vấn đề không đơn giản. Nhà nước có vai trò rất lớn trong việc điều chỉnh quan hệ này qua chính sách tiền lương, vì tăng lương bao nhiêu, vào thời điểm nào cần phải cân bằng hàng loạt bài toán như khả năng chi trả của doanh nghiệp, của ngân sách, rồi lạm phát, khả năng phát triển của nền kinh tế… Tuy nhiên, đã đến lúc cần có những giải pháp mạnh hơn trong chính sách cải cách tiền lương để người lao động có thu nhập thỏa đáng với công sức mà họ bỏ ra, đồng thời xóa rào cản về cơ chế thang lương, bảng lương vốn đang phức tạp trong khu vực nhà nước nhưng lỏng lẻo trong khu vực ngoài nhà nước.
Mức lương tối thiểu cần được thay đổi và phải bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động, tiến tới giúp người lao động và gia đình họ có một cuộc sống tử tế và có điều kiện cải thiện hơn. Mức lương tối thiểu của người lao động cũng cần thay đổi để bám sát và phản ánh đời sống tiêu dùng… đặc biệt, không để tình trạng lương chạy theo giá gây ra tình trạng khó khăn về nhiều mặt cho người lao động như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.