(HNM) - Số liệu của Tổng cục Du lịch và Tổng cục Thống kê cho thấy, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong vòng 10 tháng qua. Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, ngoài việc nền kinh tế thế giới còn chưa thoát khỏi suy thoái thì nguyên nhân quan trọng nằm ở chính nội tại ngành du lịch Việt Nam.
Khách giảm liên tiếp
Trong 3 tháng đầu năm 2015, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 2 triệu lượt, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giảm mạnh nhất là khách đến bằng đường bộ và đường biển. Với thị trường Châu Á, du khách đến từ Trung Quốc giảm mạnh nhất với 40,4%; với thị trường khách Châu Âu, khách Nga giảm mạnh nhất với 27,1%. Theo bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng Giám đốc Vietrantour, ngoài nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới vẫn đang suy thoái, đồng ruble Nga mất giá mạnh, thì nguyên nhân quan trọng là do giá dịch vụ mặt đất của Việt Nam cao hơn các quốc gia xung quanh.
Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn. Ảnh: Yến Ngọc |
Cụ thể, cùng một đối tượng khách ở dịch vụ 3 sao, dịch vụ mặt đất tính cho một đầu khách/đêm ở Thái Lan là 22.5USD, ở Malaysia: 30 USD, Trung quốc: 40USD, còn ở Việt Nam là 80USD. Sự chênh lệch này nằm ở sự khác biệt về giá khách sạn và ăn uống khá lớn. Khách sạn ở Việt Nam cao hơn 20-25%, ăn uống cao hơn 30-35%, giá vận chuyển cũng cao hơn khoảng 12-20%, thậm chí có lúc cao điểm mùa hè, mùa xuân tăng gấp đôi so với giá khu vực.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm du lịch của Việt Nam vẫn chưa được đầu tư nâng cấp để hấp dẫn du khách. Chúng ta có hai nguồn khách, nguồn khách thứ nhất là khách lần đầu tiên đến Việt Nam và thứ hai là khách quay trở lại lần hai, lần ba... Hiện chúng ta chỉ có sản phẩm để phục vụ nguồn khách mới còn với khách cũ quay trở lại, chúng ta vẫn không có sản phẩm gì để níu chân họ.
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng giám đốc Hanoi Red Tours phân tích, một nguyên nhân nữa là việc xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam yếu. Kinh phí xúc tiến, quảng bá của Việt Nam không chỉ ít, chỉ có 30-40 tỷ đồng/năm, trong khi đó kinh phí xúc tiến của Thái Lan là 86 triệu USD, Malaysia là 130 triệu USD/năm, mà còn được thực hiện rất manh mún. Hiện Việt Nam có 3 loại hình xúc tiến: Xúc tiến điểm đến của Chính phủ, xúc tiến điểm đến của địa phương và xúc tiến sản phẩm của doanh nghiệp. Điều đáng buồn là cả ba loại hình xúc tiến trên không có sự kết nối, hợp tác với nhau.
Tháng 3 vừa qua là tháng thứ 10 liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng của khách quốc tế đến Việt Nam, với mức giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2014. Riêng thị trường Trung Quốc, do tình hình căng thẳng Biển Đông nên lượng khách đến Việt Nam đã giảm từ giữa năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm 2014, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt 998 nghìn lượt, tăng 43,4% so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng, 7 tháng cuối năm 2014, chỉ có tổng cộng 949 nghìn lượt, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2013. |
Cần đẩy mạnh công tác quảng bá
Theo ông Nguyễn Công Hoan, để khách quốc tế đến Việt Nam đông hơn, ở góc độ điều phối, Tổng cục Du lịch cần xây dựng kế hoạch xúc tiến dài hạn, trong đó xác định kế hoạch của ngành ở từng nhóm thị trường phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp lữ hành, từ đó kết hợp với nhau cùng xúc tiến thị trường trên. Tránh trường hợp huy động tất cả các doanh nghiệp cùng Tổng cục làm xúc tiến du lịch và không đem lại hiệu quả. Về phía doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp cần xác định hướng đi của mình, xây dựng lộ trình kế hoạch dài hạn 5 năm và có kế hoạch mở rộng thị trường, mở rộng sản phẩm, từ đó đầu tư nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá lâu dài và luôn luôn phải có 3 hoạt động: Kích cầu nguồn khách bị giảm sút, duy trì nguồn khách đang tốt và xúc tiến để tìm kiếm một nguồn khách tiềm năng trong tương lai.
Song song với việc xúc tiến, chúng ta cũng cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng phù hợp. "Nếu năm nay chúng ta xác định Ấn Độ là một thị trường tốt nhưng văn hóa ẩm thực người Ấn Độ rất phức tạp, vậy thì chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ hệ thống khách sạn, nhà hàng phục vụ dòng khách này. Bởi thực tế cho thấy, có thị trường, chúng ta xúc tiến rất tốt, khách bắt đầu đến đông thì hạ tầng lại chưa theo kịp", ông Nguyễn Công Hoan nhấn mạnh.
Bà Đinh Nguyệt Ánh cho rằng, giải pháp then chốt nữa là Nhà nước nên có chính sách khen thưởng thiết thực cho các doanh nghiệp giảm giá bán, để từ đó họ có thể sử dụng nó như một công cụ marketing; giảm thuế cho các đơn vị cung cấp dịch vụ giảm giá, mức thuế giảm có thể tương ứng với tỷ lệ giảm giá, căn cứ trên các hợp đồng doanh nghiệp thực hiện. Như vậy, nguyên nhân và giải pháp đã rõ ràng. Vấn đề là ngành du lịch phải triển khai đồng bộ và kịp thời các biện pháp bởi nếu không, theo ông Vũ Thế Bình, tình hình khách quốc tế đến Việt Nam sẽ còn là bức tranh màu xám trong suốt năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.