(HNM) -
Tất cả được xâu chuỗi trên nền câu chuyện xây dựng đường ống dẫn dầu. Đó là tinh thần bộ phim mới về đề tài chiến tranh của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, người đã ít nhiều ghi dấu ấn với "Đường thư" trước đây. Hiện phim đang trong giai đoạn hòa âm và lồng nhạc, sẽ sớm ra mắt công chúng trong thời gian tới. Nhân dịp này, Hànộimới có cuộc trò chuyện với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng.
Cảnh phim “Những người viết huyền thoại”. |
- Quá trình tìm bối cảnh cho “Những người viết huyền thoại” diễn ra như thế nào, thưa anh?
- Thú vị nhất đối với người làm phim là giai đoạn lang thang “tìm bối cảnh”. Kỳ thực, đây là giai đoạn sáng tác quan trọng nhất, thứ tìm được dường như chẳng bao giờ quay được. Cứ tưởng tượng khi ta phải tái tạo một nhân vật, tái tạo môi trường sống và đẩy câu chuyện diễn tiến sao cho bộc lộ chút văn hóa của mình vào phim là cả một sự kỳ công. Phim này khiến tôi phải đi khoảng 2-3 vạn cây số đường rừng núi, xuyên Trường Sơn, cả sườn Đông và sườn Tây không biết bao nhiêu lần. Cuối cùng cũng có được một môi trường chọn lọc cho cấu trúc câu chuyện mà các nhân vật của tôi trải nghiệm, đồng thời gửi gắm một chút quan điểm văn hóa của tôi ở thời điểm hiện tại với thế hệ cha ông.
- Những luồng ý kiến và nhận định về các bộ phim Việt Nam về đề tài chiến tranh cách mạng có ảnh hưởng gì đến anh hay không?
- Đây mới là bộ phim nhựa thứ hai về chiến tranh của tôi. Tôi và ê kíp đã luôn làm hết mình. Là một nhà làm phim tôi chấp nhận và cảm ơn những đánh giá nhiều chiều. Tôi tôn trọng ý kiến của những nhà nghiên cứu hoặc khán giả. Tôi lắng nghe và tiếp thu phản hồi, tuy nhiên bộ phim tôi làm phải được nhìn từ chính tôi. Và phim chiến tranh của tôi hơi khác, tôi nghĩ báo chí và đồng nghiệp cũng nghĩ như vậy.
- Ở góc độ cá nhân, anh nhìn nhận như thế nào về phim chiến tranh của Việt Nam?
- Tôi không hay nhìn nhận, đánh giá dưới góc độ báo chí để bộc lộ mình, đó dường như không phải cách mà dân làm nghề muốn thể hiện. Tôi thực sự kính trọng những thế hệ đạo diễn đi trước. Phim của họ có thể hay, có thể chưa hay, nhưng đối với lịch sử điện ảnh nước nhà họ đã hoàn thành phần việc của mình. Là người làm nghề, mỗi một giai đoạn lịch sử, mỗi thế hệ đều có sứ mạng riêng. Tại sao có những giai đoạn có hàng loạt phim hay trong điều kiện làm phim đầy khó khăn vất vả, nhưng có những giai đoạn phim dở hàng loạt ngay cả khi có điều kiện tốt hơn? Không phải khi đó không có nghệ sỹ tài năng, mà đơn giản xã hội lúc đó cần nghệ sỹ sáng tác theo kiểu nào. Phim ảnh phản ánh quan điểm của nghệ sỹ với xã hội nhưng cũng có khi là ngược lại. Tuy nhiên, tôi cũng thẳng thắn nói rằng, nghệ sỹ là kẻ trực tiếp chịu trách nhiệm về tác phẩm của mình. Nếu thấy không làm được thì đừng cố. Làm phim cũng cực như anh thợ đấu sắn đất đắp đê, có người đắp được những con đê sừng sững, có kẻ chỉ toen hoẻn một khúc sóng đánh ào cái là tan hoang.
- Từ “Đường thư” đến “Những người viết huyền thoại”, phim sau quy mô hơn phim trước. Có kinh nghiệm gì được kế thừa không thưa anh?
- Tôi rút ra nhiều điều mà chẳng hề liên quan tới nghề, rằng muốn làm một bộ phim tử tế thật khó khăn, muốn làm bộ phim tốt còn khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên nói như cách của một người lính khi băng rừng, là phải luôn tiến về phía trước. Phim sau phải khác phim trước, luôn phải sáng tạo dưới mọi điều kiện vì nếu dừng lại bạn sẽ là một người chết. Một người chết đầy trắc ẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.