(HNM) - Các cơ quan chủ quản của ngành xuất bản vừa có dịp "nhìn lại" một năm hoạt động của ngành, trong đó chỉ rõ có 51 ấn phẩm của 20 nhà xuất bản (NXB) bị Cục Xuất bản phát hiện và xử lý vi phạm về nội dung. Còn nhớ riêng 6 tháng đầu năm nay, số lượng ấn phẩm vi phạm đã là 49 cuốn, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Có nhiều lý do để năm nay ngành xuất bản phải đề cập lại câu chuyện liên kết. Thứ nhất, đây là thành phần tiếp tục thể hiện rõ vai trò trong đời sống xuất bản cả nước với khá nhiều ấn phẩm có chất lượng, cùng hàng loạt sự kiện giới thiệu sách, giao lưu với tác giả vươn tới tính chuyên nghiệp và có tầm quốc tế. Song, nói đi cũng phải nói lại, lắm đơn vị liên kết vẫn thích đánh bài "ăn xổi", đón đầu sở thích tầm tầm của công chúng, ra sách "hot" cốt sao bán chạy mà không để ý đến rà soát nội dung. Trong khi thực chất, ai cũng biết đối tác liên kết chỉ mua giấy phép của NXB và "thầu" toàn bộ cuốn sách.
Kẽ hở này cũng chính là nội dung từng được "đào xới" khá nhiều trong các phiên thảo luận của đại biểu Quốc hội và cuối cùng đã được khẳng định, luật hóa trong Luật Xuất bản sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua ngày 20-11-2012. Trong đó, điều 23 của luật nêu rõ đối tác liên kết có quyền và trách nhiệm biên tập sơ bộ bản thảo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động liên kết cũng như xuất bản phẩm liên kết. Còn Tổng biên tập NXB cũng phải có trách nhiệm đọc duyệt bản thảo tác phẩm, hoặc tổ chức biên tập lại bản thảo khi cần thiết.
Luật này còn chỉ ra các điều kiện cụ thể về bản thảo, phát hành để bên liên kết thực hiện… thậm chí nêu rõ dạng bản thảo nào không được để liên kết biên tập sơ bộ bản thảo.
Nghĩa là quy trình đã có và chặt chẽ hơn, trách nhiệm cũng được chỉ rõ hơn. Đến ngày 1-7-2013, Luật Xuất bản sửa đổi mới có hiệu lực thi hành. Thiết nghĩ, từ nay đến lúc ấy cần đẩy mạnh tuyên truyền, mở đường đưa luật vào đời sống xuất bản, giảm tối đa ấn phẩm vi phạm nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.