(HNMO) - Sáng 25-11, hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản năm 2012, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, đã diễn ra tại Hà Nội.
Luật Xuất bản được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 20-11-2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2013.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, qua 10 năm thi hành Luật Xuất bản, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã có sự phát triển nhanh, mạnh cả về số lượng và chất lượng, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của đất nước và góp phần cải thiện, nâng cao nhu cầu đọc của nhân dân, khẳng định được vị trí, vai trò của hoạt động xuất bản thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng, là công cụ sắc bén của Đảng.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Lâm, hội nghị là dịp để nhìn lại định hướng xuất bản trong thời gian qua; đánh giá sự đồng bộ, mối quan hệ tác động đến ngành; các văn bản quy định chi tiết; đồng bộ Luật Xuất bản với các văn bản hướng dẫn chi tiết, các Điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, từ đó chỉ ra vấn đề mới, vấn đề phát sinh còn khoảng trống pháp lý trong thực tế, hướng đến việc sửa đổi Luật Xuất bản trong thời gian tới.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông thống kê, tính đến tháng 10-2022, cả nước có 57 nhà xuất bản, 2.310 cơ sở in, 505 doanh nghiệp, 1.400 điểm phát hành. Nhịp độ tăng trưởng được duy trì với mức tăng bình quân khoảng 6%-8%/năm. Năm 2019, tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,6 bản/người, tăng 1,35 lần so với năm 2012. Đến năm 2021, khoảng 40% nhà xuất bản đạt 200 đầu sách trở lên/năm, trong đó có 13 nhà xuất bản đạt 1.000 đầu sách/năm. Số lượng xuất bản phẩm nộp lưu chiểu ngày càng tăng. Tính trong năm 2021, dù chịu tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành vẫn xuất bản được gần 40.000 đầu sách, trên 462 triệu bản sách (chưa kể sách điện tử).
Chất lượng xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung và thể loại xuất bản phẩm ngày càng phong phú, hấp dẫn, đa dạng, phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Hầu hết các đơn vị xuất bản, in, phát hành đều đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, nâng cao chất lượng, tốc độ xuất bản phẩm đưa đến độc giả…
Chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào đấu tranh, ngăn chặn tình trạng in lậu, phát hành sách lậu, xâm phạm bản quyền sách, bảo vệ chủ thể sáng tạo và các đơn vị xuất bản.
Tuy nhiên, việc thi hành Luật Xuất bản vẫn còn nhiều hạn chế. Một số quy định trong Luật Xuất bản và các văn bản dưới luật còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với một số luật có liên quan. Một số quy định trong luật không còn phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm, gây ra những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước cũng như việc chấp hành, thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, việc phối hợp xây dựng văn bản liên quan đến Luật Xuất bản giữa các cơ quan chức năng chưa nhịp nhàng, thường xuyên. Một bộ phận cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò, tính phức tạp của hoạt động trong điều kiện mới. Năng lực của một bộ phận người làm xuất bản còn hạn chế…
Để tháo gỡ các hạn chế, bất cập, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách kiến nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất với Ban Bí thư ban hành Chỉ thị thay thế Chỉ thị 42-CT/TƯ về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản nhằm xác định quan điểm, định hướng cho sửa đổi Luật Xuất bản, đáp ứng yêu cầu của của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; Quốc hội (khóa XV) xem xét giao Bộ Thông tin và Truyền thông lập Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản vào năm 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý một số nội dung của Luật Xuất bản năm 2012 chưa phù hợp với thực tế; nêu giải pháp nâng cao chất lượng thi hành pháp luật về xuất bản, in và phát hành.
Trong đó, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về xuất bản, in, phát hành nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các chủ thể trong các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; hỗ trợ việc mua bản quyền sách, áp dụng ưu đãi thuế cho các đối tượng nhà xuất bản và phát hành phục vụ nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc; hỗ trợ đầu ra cho các xuất bản phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.