(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, đảng Cương lĩnh Công dân (PO) của Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 9-10, trở thành chính đảng đầu tiên của nước này giành chiến thắng lần thứ hai liên tiếp trong suốt 20 năm qua.
Kết quả kiểm phiếu vừa công bố trong tuần cho thấy, PO nhận được 39,18% số phiếu ủng hộ, tương đương với 207/460 ghế trong Hạ viện và 63/100 ghế tại Thượng viện. Đảng "Luật pháp và Công lý" (PiS) đối lập của cựu Thủ tướng Jaroslaw Kaczynski giành 29,89% phiếu bầu. Bất ngờ lớn nhất của cuộc tổng tuyển cử lần này là "Phong trào ủng hộ Palikota" đã vươn lên vị trí thứ ba với 9,9% số phiếu ủng hộ, trong khi đảng Nông dân Ba Lan thuộc liên minh cầm quyền hiện nay chỉ giành được 8,6% số phiếu.
Thủ tướng Ba Lan D.Tusk vui mừng trước chiến thắng của PO.
Chính quyền đương nhiệm của Thủ tướng D.Tusk nhận được sự ủng hộ của người dân ngay sau khi đắc cử cách đây 4 năm. Là một chính khách có tư tưởng khá cởi mở và thực tế, ông Tusk chủ trương theo đuổi đường lối phát triển kinh tế tự do và tăng cường hội nhập vào gia đình châu Âu, cải thiện quan hệ với Mỹ và Nga - hai cường quốc hàng đầu thế giới. Giới phân tích đánh giá trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, lựa chọn của các cử tri cho thấy người dân Ba Lan mong muốn các chiến lược đúng đắn đang tạo đà cho nước này sẽ tiếp tục được nội các đương nhiệm triển khai. Chiến lược này đã duy trì sự ổn định cho cả nền kinh tế và chính trị của Ba Lan trong bối cảnh Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Dưới sự lãnh đạo của liên minh cầm quyền, đất nước 38 triệu dân này đã vượt bão tài chính khá ngoạn mục. Với mức tăng trưởng 1,7% trong năm 2009, tăng lên 3,8% trong năm 2010 và đặt mục tiêu tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 4,0% trong năm 2011, Ba Lan đang là thành viên duy nhất của EU thoát khỏi bẫy suy thoái. Khả năng duy trì nợ quốc gia ở mức thấp (theo các tiêu chuẩn của EU) cũng là một thành công của Ba Lan. Hiện tại, nợ quốc gia của nước này ước ở mức 58,3% GDP năm 2011, nhưng sẽ giảm xuống 53% GDP trong năm 2012, trong khi mức trần nợ quốc gia là 60% GDP. Đặc biệt, kế hoạch chi tiêu năm 2012 ấn định thâm hụt ngân sách tối đa là 3% GDP (theo Hiệp ước Maastricht của EU), so với mức 6,5% GDP năm 2011.
Mặc dù tuyên bố gia nhập Eurozone trong khuôn khổ thỏa thuận gia nhập EU năm 2004, nhưng do cam kết này không ấn định thời gian nên hiện tại Ba Lan vẫn đang đứng ngoài câu lạc bộ này. Tuy nhiên, đây lại là một lợi thế cho Vacsava khi có thể áp dụng chính sách tỷ giá linh hoạt cho đồng nội tệ zloty. Điều này sẽ giúp Ba Lan dễ dàng ứng phó hơn với những hệ lụy do khủng hoảng tài chính gây ra. Trong bối cảnh Ba Lan đang giữ chức Chủ tịch EU, thắng lợi của đảng cầm quyền PO và những thành công trong chính sách kinh tế, đối ngoại sẽ giúp nước này có cơ hội khẳng định bản lĩnh, nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế, từ đó tác động tới chính trường trong nước.
Hiện tại, PO đang thực hiện các đàm phán thành lập liên minh cầm quyền và dự kiến sẽ ra mắt nội các mới vào ngày 22-11. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đảng PO và đảng Nông dân Ba Lan sẽ tái lập liên minh đa số trong Quốc hội khóa mới để nắm quyền thành lập chính phủ. Nhiều khả năng nội các cũ cũng sẽ được duy trì cho đến hết ngày 31-12 nhằm tránh những đảo lộn trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Chủ tịch EU. Một cuộc cải tổ nội các mới sẽ tiến hành ngay trong đầu năm 2012, nhằm đáp ứng chính sách mới do liên minh cầm quyền đề ra trong cuộc tranh cử là tiếp tục đưa Ba Lan tiến lên trong công cuộc phát triển nền kinh tế trong bối cảnh EU đang đối mặt với không ít khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.