(HNM) - Mức giá mới trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Song, lợi dụng việc đầu xuân năm mới, du khách đến tham quan, vãn cảnh tại các danh lam, di tích, khu vui chơi, giải trí ngày một đông, nên điểm trông xe không phép “mọc lên như nấm”
Kỳ nghỉ Tết Mậu Tuất 2018 thành phố không tổ chức hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội nên ngay từ sớm mùng 1 Tết, đã có rất nhiều du khách đổ về khu vực này để tham quan. Trước nhu cầu gửi xe tăng cao, một số hộ dân sống gần đền Ngọc Sơn, Bà Kiệu đã đua nhau tự rào chắn, chiếm dụng phần đường dành cho người đi bộ để dựng lên các điểm trông giữ xe.
Một điểm trông giữ xe không phép trên phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm). |
Chỉ tính đến ngày mùng 4 Tết, trên phố Đinh Tiên Hoàng, Hàng Trống, Đinh Liệt… đã xuất hiện gần 10 điểm trông giữ phương tiện trái quy định. Riêng phố Phùng Hưng, với thời tiết đẹp và những bức bích họa khổ lớn, mỗi ngày đã thu hút hàng nghìn du khách đến chụp hình. Bởi vậy, chỉ trên vài trăm mét vỉa hè ở đây đã có từ 3 đến 4 điểm trông giữ xe, lúc nào cũng nêm chặt phương tiện.
Tương tự, trên đường Thanh Niên, nhất là khu vực quanh chùa Trấn Quốc, đếm nhanh cũng có đến 6, 7 điểm trông giữ phương tiện do tư nhân dựng lên. Cũng cần nói thêm, để tranh giành khách gửi xe, các điểm trông giữ trái phép ở khu vực này mạnh ai nấy làm. Chỉ cần vài đoạn dây thừng buộc tạm bợ và mấy tập giấy tự cắt làm vé ghi biển số, họ chỉ đạo nhân viên đứng dưới lòng đường để chèo kéo khách vào “bãi” gửi xe. Vì thế, từ mùng 1 Tết đến nay, đường Thanh Niên liên tục xảy ra tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông.
Đành rằng, ngày Tết mật độ phương tiện đổ về các điểm vui chơi, danh lam, di tích cao, khó tìm được chỗ gửi xe, nhưng không ít người bất bình khi bị nhân viên các điểm trông giữ không phép “chặt chém”, ép giá, phải trả tiền cao gấp 2, 3 lần so với ngày thường. Trò chuyện với anh Nguyễn Quang Tuấn (quận Hai Bà Trưng), vừa dắt xe máy ra từ một bãi gửi xe trên phố Văn Miếu, phóng viên được biết “thượng đế” này vừa mất 10 nghìn đồng cho một lần gửi. Tuy tỏ thái độ rất khó chịu do mất gấp đôi tiền so với ngày thường, nhưng theo anh Tuấn, giá vé này vẫn "mềm" hơn so với giá vé các bãi xe khác trong ngày mùng 1 và mùng 2 Tết trên địa bàn thành phố.
Điển hình như điểm trông giữ không phép trên phố Quảng Khánh, Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) và Đinh Liệt, Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm)…, tùy thời gian, thời điểm, mỗi lần gửi xe, khách du xuân bị họ “cứa” với giá từ 20 đến 30 nghìn đồng một lượt gửi xe máy và từ 70 đến 100 nghìn đồng với ô tô. Nếu khách thắc mắc, ngay lập tức bị các chủ bãi gằn giọng: “Tiếc tiền thì đi chỗ khác mà gửi!”.
Trước mức thu phi lý này, ông Triệu Ngọc Quang, đại diện tổ trông xe của Công ty CP 901 ở phố Văn Miếu viện lý do: “Vì là ngày Tết, nếu không tăng giá thì lấy đâu ra tiền trả công cho nhân viên”! Còn với việc tự ý chiếm dụng lòng, lề đường tổ chức trông giữ xe, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng Tiểu ban bảo vệ di tích đình, đền Kim Liên giải thích: Nếu không có người sắp xếp, trông giữ thì du khách tiện đâu đỗ đấy, chẳng mấy mà gây ùn tắc giao thông…
Để bảo đảm quyền lợi cho du khách và hạn chế các vấn đề gây phản cảm, mất an ninh trật tự tại các khu vui chơi, khu di tích, danh lam thắng cảnh..., đề nghị chính quyền địa phương, lực lượng chức năng sớm vào cuộc, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm hoạt động trông giữ và tăng giá vé gửi xe trái quy định nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.