Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Lội ngược dòng” trong bất lợi toàn cầu

Thiện Mỹ| 10/10/2022 06:29

(HNM) - Nổi bật trên các trang báo chí, truyền thông những ngày qua là thông tin về hàng loạt con số tăng trưởng ấn tượng của nền kinh tế nước ta trong 9 tháng năm 2022. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã “lội ngược dòng”, lan tỏa hiệu ứng tích cực cho cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Trong bối cảnh chung trên toàn cầu có nhiều khó khăn, Việt Nam đã tạo sự khác biệt khi là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng cao. Điều này thể hiện ở những con số bứt phá, đầy tính thuyết phục, như: 9 tháng năm 2022, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022.

Sức bật này có được là nhờ sự điều hành chủ động cũng như sự nhạy bén trong phản ứng chính sách của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Dù vậy, tình hình quốc tế dự báo còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên không chủ quan, tự mãn với kết quả đạt được; ngược lại, phải có bước đi chắc chắn.

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2022 tổ chức ngày 1-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý: Quý IV có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để về đích các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2022, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất khẩu, tăng tổng cung và tổng cầu trong nước…

Với tinh thần “nước rút”, những nhiệm vụ mà người đứng đầu Chính phủ chỉ ra phải được các bộ, ngành, các cấp chính quyền hết sức tập trung, khẩn trương, quyết liệt thực hiện. Mỗi cơ quan, đơn vị xác định rõ những tồn tại, hạn chế, có giải pháp khắc phục, bám sát chỉ đạo của Chính phủ tại các văn bản như: Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội... Đặc biệt, cần thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-9-2022 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.

Bảo đảm sự ổn định trong điều kiện bất định như hiện nay, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ, nắm chắc diễn biến tình hình; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chủ động ứng phó các tình huống phát sinh. Đồng thời, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ, quản lý giá cả; tháo gỡ điểm nghẽn để nền kinh tế vận hành thông suốt, giải phóng các nguồn lực, khơi thông dòng chảy trên thị trường.

Là nền kinh tế có độ mở lớn nên sức mạnh nội sinh là vô cùng quan trọng. Theo đó, cần tăng cường liên kết vùng để mở rộng không gian phát triển mới, tạo động lực bứt phá của từng vùng, liên vùng và cả nước; hỗ trợ thỏa đáng để khối doanh nghiệp vừa và nhỏ lớn mạnh… Cùng với đó là có giải pháp, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống…

Chủ động nắm bắt cơ hội, giữ vững các chỉ số kinh tế vĩ mô; quyết tâm hành động cao nhất để thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình mới... là yếu tố quan trọng để kinh tế Việt Nam không những “về đích” năm 2022 với kết quả cao nhất, mà còn tiếp tục “lội ngược dòng”, tạo thêm dấu ấn trong “bức tranh” phục hồi chung của kinh tế toàn cầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Lội ngược dòng” trong bất lợi toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.