(HNM) - Gốm, sứ là một trong những nghề truyền thống lâu đời ở Việt Nam. Hiện nay, nhiều làng nghề gốm vẫn được duy trì, tạo việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động nông thôn.
Tuy nhiên, do phát triển thiếu định hướng, thiết kế mẫu mã chưa theo kịp với thị hiếu người tiêu dùng, ứng dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế… khiến nghề gốm sứ ở Việt Nam chưa đạt được những kết quả như mong đợi.
Ông Hà Văn Lâm, thợ gốm làng nghề Bát Tràng, Gia Lâm cho biết, hiện làng sản xuất khoảng 300 chủng loại sản phẩm gốm các loại, tiêu thụ rộng rãi trong nước và một phần xuất khẩu. Hàng nghìn hộ dân trong xã có cuộc sống sung túc, trong đó, hàng chục hộ gia đình đã thành lập các công ty, doanh nghiệp làm ăn lớn cùng hàng trăm các cơ sở sản xuất nhỏ. Từ lâu, người dân Bát Tràng đã thoát ly hoàn toàn khỏi nông nghiệp, chuyên tâm vào phát triển làng nghề. Tuy nhiên, cũng có nhiều làng gốm đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Giám đốc Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu (Hải Dương) Nguyễn Hữu Thức thừa nhận phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, nhưng các làng nghề sản xuất gốm hiện nay vẫn theo quy mô hộ gia đình hoặc cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu. Với làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) hiện có 100 hộ tham gia sản xuất thu hút khoảng 1.000 lao động. Tuy nhiên, thị trường gốm Bàu Trúc mới chỉ mở ở 16 tỉnh, thành phố trong nước và chưa có sản phẩm xuất khẩu. Sản phẩm của gốm Bàu Trúc mẫu mã còn đơn điệu, sản phẩm bán được nhờ giá rẻ và tính độc đáo nhưng chưa xây dựng được thương hiệu. Chưa kể đa số lao động làm việc theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo về kỹ thuật thiết kế sản phẩm và tiếp cận các xu hướng thẩm mỹ mới do vậy làng nghề đứng trước nhiều thách thức. Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Gạch, gốm Vĩnh Long Hồ Thị Thắm, ở Vĩnh Long, ngành hàng này bắt đầu trì trệ từ năm 2008 khiến không ít đơn vị lâm vào tình cảnh phá sản hoặc giải thể. Hiện nay, số còn hoạt động cũng chưa tới 40% các đơn vị trong tỉnh. Nguyên nhân do thị trường tiêu thụ giảm sút, giá nguyên nhiên liệu tăng cao.
Tại hội nghị khách hàng các sản phẩm gốm, sứ do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tổ chức tại Hải Dương mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát triển nghề gốm không chỉ giải quyết các vấn đề kinh tế, việc làm và an sinh xã hội mà sâu xa là bảo tồn văn hóa dân tộc. Do đó, các trở ngại lớn đối với làng nghề hiện nay về tính cạnh tranh, mẫu mã, giá cả, thương hiệu, sản xuất, tiêu thụ, tìm kiếm thị trường rất cần được quan tâm, tháo gỡ. Đơn giản như với khâu nguyên liệu. Đất làm gốm khác nhau tạo ra màu sắc và sự khác biệt phong cách riêng giữa các dòng gốm. Do đó, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần có quy hoạch để bảo vệ các vùng nguyên liệu của nghề gốm.
Tổ chức lại sản xuất các làng nghề gốm sứ cũng là nội dung được nhiều đại biểu đề cập. Ở làng nghề gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận, ông Võ Thiết Hiếu, Sở Công thương tỉnh chia sẻ, để hỗ trợ làng nghề, tỉnh đã xây dựng chiến lược marketing cho gốm Bàu Trúc để qua đó đánh giá lại nghề gốm và làng gốm này. Qua đây, đề án đã đề ra các chương trình và giải pháp, kế hoạch và tầm nhìn phát triển cho làng nghề. Trong đó, tập trung vào tổ chức và cấu trúc lại sản xuất, nâng cao tay nghề cho thợ thủ công và hỗ trợ học bổng cho thợ thủ công đi học các trường nghề; thiết lập các quan hệ thương mại, đầu tư marketing…
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng các làng nghề cần tập trung rà soát các sản phẩm, xác định các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên cơ sở đó tập trung cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Ngoài ra, việc đào tạo, truyền dạy nghề đang trở nên cấp thiết rất cần có chiến lược lâu dài đặc biệt là với các nghề truyền thống. "Hiện nay, những nghệ nhân, người giữ "kho báu" kinh nghiệm trong nghề đều đã lớn tuổi, nếu chậm tạo điều kiện cho thế hệ trẻ được các nghệ nhân truyền đạt lại các kinh nghiệm quý thì nghề tổ có nguy cơ bị thất truyền" - ông Dần cho biết.
Theo ông Võ Thành Đô, Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT); Việt Nam có nhiều vùng chuyên sản xuất gốm, sứ có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như gốm: Chu Đậu (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội), Luy Lâu (Bắc Ninh), Bàu Trúc (Ninh Thuận)… Ở mỗi làng nghề lại có đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi tay nghề cao và tâm huyết với nghề; có nguồn nguyên liệu phù hợp. Hiện nay, nghề gốm ở nhiều địa phương có tốc độ phát triển tốt đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng triệu lao động. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.