(HNM) - Quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát; thiếu liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; chậm đổi mới về giống; chi phí đầu vào cao... là những tồn tại cố hữu trong chăn nuôi gia cầm ở nước ta. Vấn đề đặt ra là cần tổ chức lại sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi gia cầm, nhất là trong bối cảnh hội nhập.
Quy mô chăn nuôi ở nước ta vẫn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Ảnh: Bá Hoạt |
Theo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, hiện tổng đàn gia cầm cả nước khoảng 339 triệu con. Dù có tổng đàn khá lớn, đứng thứ 21 về sản xuất thịt gia cầm và là một trong 10 quốc gia có sản lượng thủy cầm lớn nhất thế giới nhưng chăn nuôi gia cầm của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Đơn cử, trong tháng 1-2016, giá gia cầm tăng mạnh, nhưng hiện lại giảm sâu.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, người chăn nuôi gia cầm thua lỗ nặng, nhưng vì kế sinh nhai nên hàng triệu gia đình vẫn tiếp tục tái đàn. Đáng nói, bất chấp khuyến cáo của cơ quan quản lý là duy trì đàn ở mức độ vừa phải tránh cung vượt cầu nhưng nông dân vẫn ồ ạt nuôi nhiều... Theo ông Trọng, năng suất gia cầm của Việt Nam chỉ đạt hơn 50% so với mức trung bình thế giới. Hơn nữa, mỗi năm trung bình Việt Nam nhập khẩu khoảng gần 2,1 triệu con giống với giá trị trên 7 triệu USD, trên 125.000 tấn thịt gà trị giá trên 103 triệu USD nên đã ảnh hưởng lớn tới nguồn cung trong nước.
Ông Nguyễn Trọng Chữ, hộ chăn nuôi gà ở huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, các khâu trong sản xuất gia cầm ở Việt Nam còn thiếu tính liên kết, chưa gắn sản xuất với giết mổ, chế biến với thị trường, sản phẩm tiêu thụ bấp bênh, không ổn định. Đặc biệt, khi Việt Nam mở cửa theo cam kết với các quốc gia thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sức ép đối với chăn nuôi gia cầm càng khó khăn, nhất là đối với hộ chăn nuôi nhỏ.
Hiện giá gà bình quân nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 20.000 đồng/kg - 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 1kg thịt gà công nghiệp lông trắng ở trong nước từ 26.000 đồng/kg đến 27.500 đồng/kg. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho giá thịt gia cầm trong nước không thể cạnh tranh với thịt nhập khẩu cùng loại vì sản xuất trong nước cao gấp 1,5-2 lần so với giá của các nước như Mỹ, Brazil…
Cùng chung quan điểm này, chị Nguyễn Thị Tình, hộ chăn nuôi gà ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết, vào những năm 2010, giá gia cầm lên, người chăn nuôi có lãi. Sau này, do công tác dự báo chưa theo kịp với thực tiễn nên nông dân nuôi ồ ạt. Nhưng khoảng 2 năm nay, giá gia cầm bắt đầu xuống vì không cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Với sức ép của thị trường, đa phần các hộ chăn nuôi gà trên địa bàn huyện Chương Mỹ chuyển sang nuôi gia công cho các công ty nước ngoài để không lo về đầu ra.
Theo các cơ quan chức năng, muốn nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm chăn nuôi gia cầm cần tập trung nâng cao chất lượng con giống, kể cả sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại; phải tạo hành lang pháp lý, hàng rào kỹ thuật để tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành.
Trên cơ sở quy hoạch hệ thống sản xuất một số giống gia cầm chủ lực, các địa phương cần quy hoạch hệ thống sản xuất giống gia cầm trên địa bàn cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Mặt khác, Việt Nam cần nhanh chóng mở thị trường xuất khẩu thịt gia cầm sang các nước thông qua đàm phán, ký kết về thú y. Cùng với đó, khuyến khích các hộ chăn nuôi tham gia chuỗi sản xuất tiêu thụ để tăng tính bền vững, khuyến khích trang trại chăn nuôi kết hợp với lò mổ, giảm khâu thương lái trung gian đồng thời ổn định đầu ra, tránh bị thương lái ép giá cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc tốt hơn.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang: Cần tổ chức lại sản xuất Đối với người chăn nuôi, một mặt cải thiện điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng để tăng năng suất vật nuôi, mặt khác thay vì mua thức ăn từ các đại lý nên ký hợp đồng dài hạn với nhà máy sản xuất thức ăn. Đối với các cơ sở có điều kiện nên tự chế biến thức ăn chăn nuôi và các trang trại chăn nuôi lớn nên liên doanh, liên kết để cùng nhau chia sẻ rủi ro và lợi nhuận. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.