Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loạn giá xe máy trên thị trường: Người tiêu dùng chịu thiệt

Trung Hiếu| 17/07/2022 06:30

(HNM) - Giá xe máy, nhất là các dòng xe của Hãng Honda như Vision, SH Mode… trên thị trường hiện đang bị đẩy lên rất cao so với giá niêm yết của nhà sản xuất. Vì thị trường khan hiếm hàng, nên người dân có nhu cầu vẫn phải “móc hầu bao” để trả cho những khoản không đáng có. Đương nhiên, phần thiệt đang thuộc về người tiêu dùng.

Giá nhiều loại xe của Hãng Honda tại một số cửa hàng bị đẩy lên cao hơn so với giá đề xuất. Ảnh: Thanh Hải

Xuất hiện tình trạng “khan hàng, đội giá”

Con đỗ vào Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nên anh Nguyễn Thanh Tùng (số nhà 354 đường Lê Duẩn, phường Phương Liên, quận Đống Đa) quyết định thưởng cho cô con gái chiếc xe Honda Vision để làm phương tiện đi lại. “Xem thông tin trên trang web của Hãng Honda Việt Nam, thấy mức giá đưa ra cũng hợp lý như Air Blade từ 42,09 triệu đồng, Vision hơn 30 triệu đồng hay với phiên bản cá tính thì gần 35 triệu đồng. Nhưng đưa con đi một vòng qua nhiều đại lý của hãng xe này trên đường Trần Nhân Tông hay Ô Chợ Dừa thực sự tôi thất vọng. Lý do là không có đầy đủ hàng, màu xe cũng không có sẵn và nếu muốn thì phải đợi từ 5-7 ngày. Còn giá thì cao hơn rất nhiều so với trang web của hãng này niêm yết”, anh Tùng nói.

Thực tế, trường hợp của anh Tùng không phải là cá biệt. Tình trạng khan hàng kéo dài khiến các đại lý đẩy giá lên cao là khá phổ biến. Nếu như trên trang web của Honda Việt Nam, giá xe Air Blade 125/160 có giá từ 42,09 triệu đồng, Vision là từ gần 35 triệu đồng (phiên bản cá tính), SH 125i/150i là từ gần 72 triệu đồng… thì khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại cửa hàng Kường Ngân (số 50A phố Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng) - đại lý ủy nhiệm của Honda (HEAD) - mức giá đã bị đẩy lên rất cao. Cụ thể, giá xe Air Blade 150 được thông báo là 57,5 triệu đồng (cao hơn 15,41 triệu đồng so với giá đề xuất), xe Vision phiên bản cá tính là 44,5 triệu đồng (cao hơn 9,5 triệu đồng) và SH 150i là 96 triệu đồng (cao hơn 24 triệu đồng).

Theo nhân viên bán hàng tại đây, một số mẫu xe như SH Mode hiện đang không có hàng để bán, vì nhà sản xuất đang thiếu linh kiện chíp bán dẫn nên giá bán cũng chưa được chính xác. Còn với xe Vision chỉ còn duy nhất màu đỏ, nếu muốn màu khác thì phải đặt trong khoảng 1 tuần.

Trong thông báo mới đưa ra, Honda Việt Nam cho biết do ảnh hưởng từ các biến động kinh tế - chính trị và cuộc khủng hoảng thiếu hụt chíp bán dẫn toàn cầu, quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm của nhiều ngành hàng bị tác động nặng nề và hãng cũng không ngoại lệ. Hiện Honda cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp linh kiện mới nhằm khắc phục tình trạng thiếu xe để bán như hiện nay.

Cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý

Để có thông tin chính thức từ nhà sản xuất, phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ với Công ty Honda Việt Nam, đặt câu hỏi về nguồn cung ra thị trường, tình trạng khan hiếm chíp cũng như trách nhiệm đối với đại lý trong việc nâng giá xe quá cao so với giá đề xuất… Tuy nhiên, hơn 1 tuần trôi qua, phía Honda Việt Nam vẫn không có bất kỳ một phản hồi nào.

Việc mỗi chiếc xe máy đội giá lên cả chục triệu đồng như vậy khiến dư luận hết sức bức xúc. Điều đáng bàn là nhiều cửa hàng dù bán cao hơn nhiều so với giá đề xuất nhưng khi viết hóa đơn giá trị gia tăng lại chỉ viết bằng giá đề xuất.

Bình luận về hành vi này, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, cho rằng, nếu đại lý bán một chiếc xe máy giá 45 triệu đồng nhưng chỉ khai vào hóa đơn 35 triệu đồng, rõ ràng là hành vi trốn thuế, vi phạm pháp luật. Còn chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt câu hỏi: Vì sao giá bán xe máy tại Việt Nam cao hơn niêm yết, lại phổ biến và diễn ra ngang nhiên như vậy? Phải chăng là do các cơ quan chức năng đã buông lỏng quản lý?

Giải đáp về điều này, trong phiên trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về vấn đề xe máy "hai giá" hồi đầu tháng 6-2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: "Cơ quan Thuế theo quy định phải thanh tra các đại lý. Thực ra thì khó. Lâu nay chúng tôi chưa thể siết chặt được chỗ này".

Hiện tượng tăng giá của các đại lý, nhất là của Hãng Honda, không phải mới phát sinh, cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Tình trạng này kéo dài sẽ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, cũng như ngân sách nhà nước; làm cho môi trường kinh doanh méo mó, thiếu công bằng, minh bạch. Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, đây là hành vi bán hàng không theo giá và hiện cơ quan thuế đang tiến hành kiểm tra.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của nhà sản xuất đối với hành vi bán “chênh giá” của các đại lý, có giải pháp trong việc bảo đảm nguồn cung, ngăn chặn hành vi thao túng thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loạn giá xe máy trên thị trường: Người tiêu dùng chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.