(HNM) - 5.000 thủ tục hành chính được cắt giảm; một loạt sáng kiến, đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính được triển khai, áp dụng trong năm 2017 nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn,
Nói về kết quả cải cách hành chính từ đầu năm 2017 đến nay, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, "ngọn lửa" cải cách đã được thổi lên khá mạnh mẽ. Điển hình là, Hội đồng đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại với đại diện hàng nghìn doanh nghiệp trong nước, gần 1.000 doanh nghiệp Châu Âu, hơn 300 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động, đầu tư tại Việt Nam để tiếp nhận 23 nhóm vấn đề với gần 100 phản ánh, kiến nghị. Theo thông tin Văn phòng Chính phủ công bố ngày 9-3, cơ quan này nhận được văn bản trả lời của 7/9 bộ, cơ quan liên quan đến 15/17 kiến nghị; 10 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân kiến nghị 21 vấn đề và nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, khởi nghiệp, đầu tư tài chính, du lịch và những khó khăn của các doanh nhân trẻ trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Văn phòng Chính phủ nhận được văn bản trả lời của 7/10 bộ, cơ quan liên quan đến 20 kiến nghị, trong đó, 15 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Về 4 nhóm vấn đề liên quan đến xử lý tranh chấp kinh doanh thương mại, thuế và hải quan; y tế và sức khỏe; lựa chọn tiêu dùng; phát triển thông minh và bền vững, Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam kiến nghị, Văn phòng Chính phủ nhận được 8/16 văn bản trả lời của các bộ, cơ quan liên quan. Ông Ngô Hải Phan cho biết, cơ quan thường trực của Hội đồng đang tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo.
Một tín hiệu vui nữa về tinh thần cải cách, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị 21 vấn đề, nhóm vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; dự thảo nghị định liên quan đến Luật Môi trường; vấn đề nhập khẩu máy móc cũ; sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP..., 8/8 bộ liên quan đã có văn bản trả lời, 9 kiến nghị được các bộ, cơ quan nhất trí nghiên cứu, xử lý.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra thì cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa. Cho rằng thể chế thay đổi hằng ngày sẽ dễ dẫn đến thủ tục mới chồng chéo thủ tục cũ, mất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đề nghị, cần mạnh mẽ cải cách đồng bộ trong năm 2018. “Chẳng hạn, khi chuyển vay tín dụng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác phải chuyển thế chấp; doanh nghiệp phải qua bộ phận địa chính, chờ nhiều ngày... Nếu hai bên có hợp đồng mua bán có chứng nhận thì chỉ cần ghi mã số là xong. Làm được như vậy sẽ tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng nghìn tỷ đồng” - ông Thân phân tích. Trong khi đó, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may phản ánh, có nhiều khó khăn, vướng mắc như thủ tục nhập khẩu máy in đã được kiến nghị từ năm 2016, đến nay cơ quan hữu quan thống nhất phải bãi bỏ, nhưng vẫn chưa có văn bản chính thức.
Đánh giá về những phản hồi của doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chính là tác giả của các cải cách, hiểu rõ các thủ tục về kinh doanh. Do vậy, tăng cường đối thoại giữa hiệp hội doanh nghiệp với Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính là con đường tốt nhất để có sáng kiến cải cách.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong năm nay, Hội đồng sẽ tham mưu tổ chức 6 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp; đồng thời yêu cầu cắt giảm 50% thủ tục, 25% báo cáo không cần thiết, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.