Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loại bỏ những ”điểm nghẽn”

Trà My| 13/12/2013 05:55

(HNM) - Nhìn lại tổng quan nền kinh tế nước nhà năm 2013 có thể thấy rằng, những bất lợi do dư âm từ năm 2012 và những năm trước để lại xung quanh vấn đề lạm phát, lãi suất ngân hàng "phi mã", nhập siêu... đã phần nào được kiềm chế và bước vào giai đoạn lấy lại sự ổn định. Đây là nhận định chung của không chỉ các chuyên gia tham dự hội thảo "Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014" tổ chức ngày 12-12 và nhiều hội thảo trước đó.

Lạc quan trong dài hạn là thế, nhưng với năm 2014 đang tới gần thì giới chuyên gia cũng thống nhất cho rằng, nền kinh tế vẫn chưa thể vượt qua giai đoạn trì trệ và lấy lại đà tăng trưởng như trước năm 2008. Điều này bắt nguồn từ việc thị trường bất động sản chưa qua giai đoạn "đóng băng", lãi suất ngân hàng "hạ nhiệt" nhưng việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN) còn nhiều rào cản. Nói như một số chuyên gia thì căn nguyên sâu xa nằm ở ba vấn đề: Thể chế, phát triển nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Nếu không có bước cải cách mang tính đột phá thì khả năng phát triển bền vững vẫn là thách thức trong dài hạn. Cùng với đó, việc đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần những khâu đột phá, thậm chí là những giải pháp mạnh.

Vậy bài toán đặt ra trong năm 2014 là gì?

Không khó để nhận thấy đó vẫn là câu chuyện giải quyết nợ xấu để xử lý điểm nghẽn của tín dụng, tạo điều kiện cho nền kinh tế hấp thụ vốn một cách thực chất. "Điểm rơi" của câu chuyện này nằm ở hai vấn đề. Thứ nhất, giải quyết nợ xấu trong xây dựng cơ bản theo hướng các dự án đã được quyết định đầu tư phải thực hiện theo mức vốn kế hoạch, không được làm vượt vốn; chủ đầu tư không yêu cầu DN ứng vốn thực hiện khi dự án chưa được bố trí vốn; chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định của Luật Đấu thầu, tránh tình trạng nợ đọng chiếm dụng vốn của nhà thầu. Bên cạnh đó, không được bố trí vốn ngân sách cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn, phê duyệt quyết định đầu tư và quyết định điều chỉnh tổng mức đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của các cấp có thẩm quyền. Thứ hai, sớm điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động có nhu cầu mua nhà theo hướng hỗ trợ trực tiếp người mua chứ không phải là hỗ trợ trực tiếp người bán như hiện nay. Nếu hai vấn đề này được giải quyết tận gốc thì bài toán nợ xấu và "đóng băng" thị trường sẽ không còn là rào cản chính.

Tiếp đến là đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN; thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm khơi thông thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Nói thế bởi lẽ sau rất nhiều cải cách, nhưng kết quả một cuộc điều tra do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện tại 1.500 DN công bố cuối tháng 10-2013 cho thấy, DN vẫn "xếp hàng" phàn nàn về thủ tục, quy định pháp luật hải quan, thuế. Cụ thể: Có 37% DN cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là "tương đối khó thực hiện". Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% DN cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan... Điều này cho thấy tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh ở nước ta tiếp tục là chặng đường chông gai.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia kinh tế, đã đến lúc việc điều hành chính sách giá cả phải tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường, thoái lui khỏi tư duy hành chính. Lý do bởi nước ta ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, do vậy phải tôn trọng "luật chơi", tuân thủ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết. Đây cũng là tiền đề quan trọng để đến năm 2018, Việt Nam có mặt bằng giá chung, thực hiện giá cả tương đồng và chịu sự chi phối của thị trường thế giới.

Mục tiêu của Việt Nam trong năm 2014 vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 7%. Rõ ràng, mục tiêu này là khả thi với điều kiện Chính phủ, các bộ, ngành phải nỗ lực và quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ ngay từ đầu năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ những ”điểm nghẽn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.