(HNM) - Tại huyện ngoại thành còn nhiều khó khăn như Sóc Sơn, Chương trình 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã tạo chuyển biến tích cực đối với đời sống tinh thần của người dân nơi đây.
Ưu tiên làm từ cơ sở
Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Nguyễn Hồng Ninh phấn khởi cho biết, phong trào tập luyện thể dục thể thao trong xã đang nở rộ. Hằng ngày, đều đặn hai buổi sáng, chiều, từ người già đến trẻ nhỏ đua nhau đi bộ, chạy, rồi chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông... Với 13.100 nhân khẩu, Bí thư Nguyễn Hồng Ninh ước tính có khoảng 35% người dân tham gia tập luyện thể thao thường xuyên, 30% "hộ gia đình thể thao".
Các trường tiểu học trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khá đầy đủ, phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Chương trình 04 có nhiều nội dung, đối với xã Phú Cường, Đảng ủy xã đã chỉ đạo tập trung vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao, kết hợp với việc gây dựng phong trào tập luyện thể dục - thể thao trong dân. Cả xã hiện có một Trung tâm Văn hóa - Thể thao rộng 2,5ha được trang bị khá đầy đủ, 3 nhà văn hóa thôn, 1 sân vận động rộng 8.500m2, 2 sân bóng đá, 16 sân bóng chuyền, 4 sân bóng cửa, 8 sân cầu lông... Chưa kể, ở các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn đều có nhà giáo dục thể chất khang trang, khá đầy đủ trang thiết bị. Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, để thúc đẩy phong trào, cứ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, từ xã xuống thôn, khu dân cư, đều tổ chức hoạt động thi đấu thể thao thu hút ngày càng đông người dân tham gia. Từ đây, phong trào tập luyện thể thao cũng được nâng lên. Hiện nay, xã duy trì hoạt động thường xuyên 1 câu lạc bộ dưỡng sinh, 1 câu lạc bộ võ thuật, 2 câu lạc bộ cầu lông, 10 câu lạc bộ bóng chuyền hơi, 5 câu lạc bộ bóng chuyền, 5 câu lạc bộ bóng đá... Đời sống tinh thần được nâng cao, người dân phấn khởi, hăng say hơn trong lao động sản xuất. Đơn cử như ở Phú Cường, tăng trưởng kinh tế hằng năm của xã từ đầu nhiệm kỳ đến nay đạt 10-12%. Phú Cường hiện đã đạt 11/19 tiêu chí về nông thôn mới.
"Xã thể thao" Phú Cường thể hiện hiệu quả cụ thể của Chương trình 04-CTr/TU, được cấp ủy địa phương chủ động, nghiêm túc chỉ đạo thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Ngay sau khi Thành ủy ban hành chương trình, Huyện ủy Sóc Sơn đã có Kế hoạch số 32-KH/HU triển khai tổ chức thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành. Huyện xác định tập trung chỉ đạo thực hiện ở cơ sở. Ngoài Phú Cường, trong hơn hai năm thực hiện Chương trình 04, Huyện ủy Sóc Sơn đã chỉ đạo xây dựng thêm được 27 nhà văn hóa, 390 sân bóng chuyền, 81 sân cầu lông, 38 sân bóng cửa và các môn thể thao khác... Những thiết chế mới này góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt còn cho biết, để thực hiện Chương trình 04 hiệu quả từ cơ sở, Huyện ủy đã chỉ đạo gắn kết với các nhiệm vụ chính trị khác, vừa cụ thể, vừa đồng bộ.
Cần có thêm thiết chế văn hóa
Mặc dù đạt được kết quả khả quan như vậy, Sóc Sơn vẫn còn nhiều việc phải làm để thực hiện thành công Chương trình 04 trong phần còn lại của nhiệm kỳ. Đó là bảo đảm đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao đồng đều. Không phải xã nào cũng làm được như xã Phú Cường. Hiện nay cả huyện, chỉ có hai xã là Phú Cường và Mai Đình là có trung tâm văn hóa thể thao có quy mô và được trang bị khá đầy đủ. Nên việc nhân rộng mô hình đã thực hiện thành công ở Phú Cường ra các xã khác là đòi hỏi mà nhân dân địa phương đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền huyện Sóc Sơn.
Đặc biệt, trong khi chú trọng chỉ đạo thực hiện Chương trình 04 từ cơ sở, dường như Huyện ủy Sóc Sơn lại chưa thật chủ động và cố gắng trong việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao cấp huyện. Hiện nay, Sóc Sơn vẫn thiếu những thiết chế văn hóa - thể thao cơ bản như: Nhà văn hóa đa năng, nhà văn hóa thanh thiếu nhi, công viên, vườn hoa công cộng... Việc xây dựng bể bơi của huyện vẫn dừng ở khâu... ý tưởng.
Chưa kể, hiện nay Sóc Sơn đã có nhà văn hóa ngoài trời, sân vận động huyện, bảo tàng, thư viện, nhưng khai thác lại kém hiệu quả. Sự xuống cấp của các thiết chế này cũng có phần do để lâu không khai thác hoặc không tận dụng được các nguồn đầu tư xã hội hóa. Đây cũng là ý kiến của đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến khi làm việc với Huyện ủy Sóc Sơn thời gian gần đây. Đồng chí đề nghị Huyện ủy Sóc Sơn cần chỉ đạo khai thác tốt các thiết chế đang có, chủ động quy hoạch, kêu gọi đầu tư các thiết chế văn hóa còn thiếu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.