Theo dõi Báo Hànộimới trên

Linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh

Thống Nhất| 15/09/2022 06:33

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND (ngày 7-9-2022) về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, trong đó có yêu cầu triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục có chất lượng, đúng tiến độ. Với tinh thần chủ động, tích cực, ngành Giáo dục Hà Nội có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Một tiết học của học sinh Trường Tiểu học Yên Thường (huyện Gia Lâm). Ảnh: Nguyễn Quang

Khởi đầu thuận lợi

Thầy, trò ngành Giáo dục Thủ đô bước vào năm học 2022-2023 với nhiều niềm vui và khí thế sau thời gian khá dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Toàn thành phố có hơn 2.800 trường mầm non và phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, với hơn 2,2 triệu học sinh, trong đó có 2.236 trường công lập. Dù còn nhiều khó khăn, song các nhà trường đều tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hoàn thiện các hạng mục, bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất cho việc dạy và học.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu, toàn quận đã có gần 90% số trường công lập đạt chuẩn. Dù quy mô học sinh liên tục tăng, song kỳ tuyển sinh năm học 2022-2023 diễn ra nền nếp, không có “điểm nóng”; mọi học sinh đều có chỗ học.

Cô giáo Vũ Bích Nguyệt, lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, so với các năm trước, học sinh lớp 1 năm nay có thuận lợi hơn, khi được tựu trường trước 2 tuần so với ngày khai giảng. Nhà trường đã sử dụng hiệu quả 2 tuần đệm, giúp học sinh chuẩn bị khá tốt về mọi mặt.

Trong khi đó, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho rằng, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục xác định tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn do những hệ lụy của dịch bệnh, trong đó có việc một số học sinh bị hổng kiến thức, nền nếp học tập chưa tốt, thậm chí có một số em bị ảnh hưởng tâm lý… Đây cũng là năm học đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của đội ngũ nhà giáo và sự chung sức hỗ trợ từ nhiều phía.

Chung sức vượt khó

Với tinh thần chủ động, ngành Giáo dục Hà Nội đang nỗ lực triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 linh hoạt với nhiều sáng kiến, giải pháp nhằm giải quyết căn bản những khó khăn, hoàn thành “nhiệm vụ kép” là bảo đảm an toàn cho học sinh và triển khai chương trình giáo dục có chất lượng, đúng tiến độ.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 3, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thúy Lĩnh (quận Hoàng Mai) Đàm Thị Kim Dung cho hay, nhà trường tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; nhân rộng các giờ dạy tốt; mạnh dạn giao việc thực hiện chuyên đề cho giáo viên trẻ; tăng cường trao đổi về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá và vận dụng kiến thức vào thực tế... Nhà trường cũng phát động phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, quán triệt đến giáo viên phương châm mỗi giờ lên lớp có một đổi mới.

Còn Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phong Vân (huyện Ba Vì) Nguyễn Thị Ngọc Bích chia sẻ, dù kết quả thi lớp 10 năm học 2022-2023 của học sinh xếp thứ 2 của huyện, song điểm trung bình môn ngữ văn còn khiêm tốn (7,05 điểm). Nhà trường tiếp tục phối hợp với gia đình và chính quyền địa phương triển khai hiệu quả hơn nữa phong trào “Tiếng trống học bài” vào 19h hằng ngày để tạo nền nếp, ý thức và nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Đồng thời, vận động phụ huynh học sinh quan tâm nhiều hơn bằng việc bố trí góc học tập và dành nhiều thời gian hơn cho con em.

Em Trần Nguyễn Thái An, học sinh lớp 10, Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên chúng em học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với sự hướng dẫn của cô giáo, chúng em không còn lo lắng khi học sách giáo khoa mới như những ngày đầu”.

Đồng hành cùng ngành Giáo dục, từ đầu năm 2022 đến nay, Hội Khuyến học thành phố Hà Nội đã vận động được 25 tỷ đồng đóng góp quỹ khuyến học, nâng tổng số quỹ khuyến học các cấp thành phố Hà Nội lên 335,5 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội Nguyễn Thị Ngọc Minh, hội tiếp tục đẩy mạnh việc vận động gây quỹ để trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; nhân rộng các mô hình học tập…

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, toàn ngành tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học 2022-2023 là: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Sở sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Chỉ thị số 17/CT-UBND, trong đó xác định việc phòng, chống, ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh là một trong số các nhiệm vụ ưu tiên để bảo đảm an toàn cho học sinh và dạy học chất lượng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.