Phía Mỹ chủ ý chuẩn bị dư luận từ rất sớm để không ai bị bất ngờ về việc lần đầu tổ chức cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines.
Thông cáo về cuộc gặp này được Văn phòng Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken thăm Philippines. Kịch bản là Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm Mỹ trước, rồi Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đến Mỹ sau. Hai người này sẽ cùng ông Biden thiết lập khuôn khổ diễn đàn chung mới giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines. Đương nhiên, ông Biden cũng sẽ tiếp riêng ông Marcos.
Một liên thủ ba bên mới sẽ hình thành ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chỉ cần nhìn vào những gì xảy ra ở khu vực này trong những ngày gần đây sẽ có thể thấy được ngay mục tiêu chính mà bộ ba cùng nhằm tới. Ở khu vực Đông Bắc Á, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa và mối quan hệ giữa hai nước trên bán đảo Triều Tiên trở nên căng thẳng hơn trước rất rõ. Khúc mắc giữa Trung Quốc và Philippines về chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông thêm trầm trọng.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng thêm trắc trở khi Mỹ trong thực chất đứng hẳn về phía Philippines và Ấn Độ ở chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines (ở khu vực Biển Đông) và giữa Trung Quốc với Ấn Độ (ở vùng Arunachal Predesh) cũng như Mỹ làm găng với Trung Quốc trong vấn đề an ninh cho Đài Loan (Trung Quốc) và chuyện luật an ninh mới ở Hồng Kông (Trung Quốc). Cũng liên quan đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Anh và Australia vừa ký kết thỏa thuận hợp tác song phương mới về quân sự và quốc phòng. Ngoài ra, trước đấy còn đã hình thành Liên minh an ninh Mỹ, Anh và Australia (AUKUS) và liên kết an ninh ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cả Nhật Bản và Philippines đều là đồng minh quân sự truyền thống của Mỹ. Vì thế, việc cùng nhau tạo nên liên thủ mới không có nhiều khó khăn đối với họ. Nhìn từ giác độ những mục tiêu chung và lợi ích chung mà họ cùng theo đuổi ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, việc bây giờ bộ ba này liên thủ với nhau không những chỉ khả thi mà còn có lợi nhiều và thậm chí rất cần thiết đối với họ. Cái gì cũng phải có sự khởi đầu và từ sự khởi đầu sẽ dần định hình quá trình.
Cuộc gặp cấp cao giữa Mỹ, Nhật Bản và Philippines diễn ra vào ngày 11-4 tới ở Mỹ sẽ là bước đi đầu tiên của quá trình hình thành khuôn khổ diễn đàn hợp tác ba bên mới. Khuôn khổ diễn đàn này rồi sẽ được dần thể chế hóa từng bước để liên thủ ban đầu này vươn tới được những cấp độ hợp tác và liên kết cao hơn nữa trong tương lai.
Chuyện này hiện vẫn còn kịp đối với Nhật Bản và Philippines vì nước Mỹ sắp có cuộc bầu cử tổng thống mới. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống này sẽ quyết định tiến trình liên thủ giữa ba nước trong tương lai được tiếp tục hay sẽ bị gián đoạn, phát triển hơn nữa hay bị chết yểu. Nếu ông Biden tiếp tục cầm quyền thì tương lai của liên thủ tay ba này sẽ rất xán lạn. Nếu cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền thì liên thủ ấy sẽ nhanh chóng bị quên lãng bởi ông Trump chỉ đề cao quan hệ song phương chứ không coi trọng hợp tác đa phương, chỉ thích đánh lẻ từng đối tác chứ không thích chơi cuộc chơi chung với nhiều đối tác.
Để cho những gì đã được khởi xướng không bị đảo ngược bởi việc thay đổi tổng thống ở Mỹ thì ở ngay cuộc gặp cấp cao ba bên đầu tiên này, ông Biden cùng ông Kishida và ông Marcos phải làm cho cuộc gặp rất thành công, kết quả phải rất cụ thể và thiết thực cũng như thể chế hóa ngay khi có thể được toàn bộ tiến trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.