Luận đàm thời sự

Bỏ liên minh, chọn liên kết

Đại sứ Trần Đức Mậu 06/10/2023 - 06:52

Vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan đang là điểm nóng mới về chính trị an ninh ở châu Âu. Nhiều đối tác bên ngoài ngỏ ý sẵn sàng đảm trách vai trò ngoại giao trung gian hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia.

Trong hơn 30 năm qua kể từ khi Azerbaijan và Armenia trở thành quốc gia độc lập đã xảy ra 3 lần chiến tranh ở vùng Nagorny Karabakh. Ở lần chiến tranh thứ 3 vào năm 2020, Azerbaijan đã dùng vũ lực quân sự chiếm lại vùng lãnh thổ rất rộng lớn ở Nagorny Karabakh. Chiến dịch quân sự vừa mới đây của Azerbaijan ở vùng Nagorny Karabakh khiến phần lớn người Armenia ở Nagorny Karabakh đã di tản về Armenia và chính quyền nhà nước tự xưng ở Nagorny Karabakh phải tự tuyên bố giải tán. Tương lai chính trị và pháp lý của vùng lãnh thổ này hiện là vấn đề nan giải đối với Azerbaijan và Armenia và đối với tất cả các đối tác bên ngoài muốn có vai trò và ảnh hưởng trong vấn đề này và ở vùng Caucasus: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Hơn 30 năm qua, chỗ dựa chính của Armenia về an ninh nói chung và trong cuộc đối kháng với Azerbaijan về chủ quyền của vùng Nagorny Karabakh nói riêng là Nga. Vì mục đích này mà Armenia tham gia Hiệp ước Tổ chức an ninh tập thể do Nga dẫn dắt và để cho Nga duy trì căn cứ quân sự trên lãnh thổ Armenia. Mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược này hiện đứng trước nguy cơ chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa và bị đổ vỡ trong thực chất.

Những biểu hiện rõ nét nhất cho việc Armenia chủ trương từ bỏ liên minh quân sự với Nga và gây dựng liên kết với Mỹ, EU và NATO đã bắt đầu xuất hiện từ lần chiến tranh thứ ba. Từ sau chiến dịch quân sự mới đây của Azerbaijan ở vùng Nagorny Karabakh, phía chính giới Armenia bắt đầu công khai phàn nàn về Nga, công khai tỏ ra không còn tin tưởng Nga sẽ thực thi cam kết bảo đảm an ninh cho Armenia và giúp Armenia giữ vùng lãnh thổ Nagorny Karabakh.

Sự hoài nghi về năng lực thực sự của Nga về chính trị cũng như quân sự đủ mức để bảo đảm an ninh cho Armenia và giúp Armenia giữ vùng Nagorny Karabakh ngày càng tăng. Phía Armenia liên tiếp có những động thái khiến Nga không thể hài lòng và yên tâm.

Mới đây nhất và đặc biệt là việc Quốc hội Armenia phê chuẩn sự tham gia của Armenia vào Tòa án hình sự quốc tế (ICC) mà ICC trên thực tế đã bị phía Nga coi là kẻ thù sau khi ICC phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với những cáo buộc nặng nề liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine giữa Nga và Ukraine. Nga coi đấy là một sai lầm lớn của Armenia.

Đối sách của Armenia là chừng nào vẫn còn liên minh quân sự với Nga thì vẫn tiếp tục thúc ép Nga thực hiện những cam kết có lợi cho Armenia, nhưng đồng thời bắt đầu tìm kiếm đồng minh thay thế Nga. Armenia có quan hệ thân thiện với Iran nhưng ý thức được rằng không thể dựa hết được vào Iran. Mỹ, EU và NATO mới là những bên được phía Armenia coi là đối tác và đồng minh lý tưởng mới.

Armenia đã gặt hái được những thành quả ban đầu với việc tranh thủ Mỹ, EU và NATO: Mỹ và EU bắt đầu làm găng với Azerbaijan để ủng hộ Armenia. Pháp là thành viên NATO và EU đầu tiên tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Armenia để bảo đảm an ninh. Mỹ, EU và NATO nắm bắt cơ hội để tranh thủ Armenia nhằm đẩy lui ảnh hưởng của Nga và Iran ra khỏi vùng Caucasus và không để cho Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ độc chiếm ảnh hưởng ở khu vực này.

Phe này sẽ không để Azerbaijan quản lý hết vùng Nagorny Karabakh nhưng cũng sẽ không giúp Armenia giữ được hết vùng lãnh thổ này, dù vậy thì Armenia vẫn vớt vát được những gì còn có thể vớt vát được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bỏ liên minh, chọn liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.