(HNM) - Tân Tổng thống Pháp Francois Hollande vừa kết thúc chuyến thăm gây chú ý tới nước láng giềng Italia ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh bốn bên (gồm Italia, Pháp, Đức và Tây Ban Nha) vào ngày 22-6 tới và Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) vào ngày 28 và 29-6.
Đúng như dự đoán, ông chủ mới của Điện Elysée đã nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Italia Mario Monti với các biện pháp tăng trưởng kinh tế có thể để thoát khỏi khủng hoảng theo đề xướng của Paris. Đây là sự đồng thuận quý giá của hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nhằm đẩy lui cuộc khủng hoảng nợ công đang làm điêu đứng cả châu lục.
Tổng thống Pháp F.Hollande và Thủ tướng Italia M.Monti tại cuộc họp báo ở Rome ngày 14-6. |
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Eurozone đang trải qua giai đoạn nguy kịch nhất kể từ thời điểm thành lập cách đây 13 năm. Nỗ lực chạy đua với thời gian của các "kiến trúc sư" Lục địa già để giải cứu đồng euro và tái cơ cấu nền kinh tế đang đứng trước nhiều thách thức do "ngọn lửa khủng hoảng" ngày càng lan rộng với tốc độ kinh hoàng. Sau Hy Lạp, lần lượt những cái tên như Ireland, Bồ Đào Nha và gần đây nhất là Tây Ban Nha phải cầu viện gói cứu trợ từ bên ngoài. Trong khi đó, Italia cũng đang phát đi nhiều tín hiệu đáng lo ngại khi nợ công hiện nay chiếm khoảng 120% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Theo số liệu từ Roma, GDP của Italia trong quý I năm 2012 đã giảm 0,8%, mức sụt giảm lớn nhất trong vòng 3 năm qua. Nếu không có cơ chế bình ổn chi phí đi vay trên thị trường nợ, tình trạng bấp bênh sẽ gia tăng và các nhà đầu tư sẽ tỏ ra thận trọng với Italia hơn bao giờ hết. Không dừng lại ở đó, tâm lý hoang mang ngày càng phình to khi những yếu kém ở khu vực Nam Âu tiếp tục lan đến các quốc gia thịnh vượng hơn như Đức và Pháp. Dấu hiệu mới nhất của sự lây lan này là trong tháng 5-2012, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của hai nền kinh tế lớn nhất trong Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thậm chí, Ủy ban Châu Âu (EC) còn đưa ra cảnh báo rằng, Pháp - nền kinh tế lớn thứ hai trong Eurozone có thể sẽ rơi vào khủng hoảng.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn còn lúng túng với các biện pháp ngăn chặn sức công phá kinh hoàng của "cơn bão nợ". Nhất là từ khi điện Elysée "đổi chủ", "trục Pháp - Đức" - vốn được coi là nền tảng kiến tạo các sách lược nhằm đưa Eurozone thoát khỏi "vũng lầy" tài chính trong thời gian vừa qua - có nhiều biểu hiện rạn nứt. Trong khi, Tổng thống F.Hollande cho rằng, thúc đẩy tăng trưởng mới có thể cứu được các nền kinh tế đang rơi vào suy thoái tại Châu Âu, còn nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel lại kiên quyết bảo vệ lập trường phải thắt chặt chi tiêu để kiểm soát thâm hụt ngân sách. Nhiều nhà phân tích cho rằng, việc không tìm được tiếng nói chung với người đứng đầu chính phủ Đức khiến Tổng thống F.Hollande tìm hướng xây dựng một "trục" khác nhằm đạt được mục đích đã đề ra. Đây cũng là một phần cam kết của Tổng thống F.Hollande với các cử tri trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Trên thực tế, trong vòng một tháng trở lại đây, nhiều thành viên của EU đã quay sang ủng hộ quan điểm của Tổng thống F.Hollande khi công cuộc "thắt lưng, buộc bụng" để thoát khủng hoảng trong thời gian qua tại Châu Âu không mang lại nhiều kết quả như mong đợi. Cũng như trong cuộc gặp tại Trại David và Chicago (Mỹ) hồi tháng trước, ông chủ mới của điện Elysée lại vừa nhận được sự đồng thuận của Thủ tướng Italia M.Monti trong vấn đề này. Cả hai cũng ủng hộ việc phát hành trái phiếu chung của Eurozone như một công cụ để giảm chi phí đi vay cho các nền kinh tế yếu kém trong Eurozone - một quan điểm mà Berlin quyết liệt phản đối.
Vì vậy, có lý do để cho rằng, "bà đầm thép" của nước Đức sẽ bị cô lập đáng kể tại hai cuộc gặp thượng đỉnh EU sắp tới và "trục Pháp - Italia" sẽ sớm lộ diện, mặc dù cả Paris và Roma đều khẳng định sự phối hợp Pháp - Italia trong trận chiến mới chống khủng hoảng là không nhằm chống lại ai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.