Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên minh châu Âu: Kỳ vọng độc lập về nguồn năng lượng

Thùy Dương| 14/05/2022 07:20

(HNM) - Bất ổn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine khiến Liên minh châu Âu (EU) phải đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất năng lượng tái tạo trong khu vực với kỳ vọng sẽ chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch từ Nga. Theo đó, EU dự kiến chi 195 tỷ euro trong 5 năm tới và điều này sẽ được nêu trong dự án chuyển tiếp năng lượng tăng tốc do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo.

Liên minh châu Âu muốn phát triển năng lượng tái tạo để chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Dự án chuyển tiếp năng lượng của EC đề xuất gói kinh phí 195 tỷ euro nhằm chấm dứt sự phụ thuộc về nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, cũng như cung cấp năng lượng với giá hợp lý cho người dân và doanh nghiệp. EU cũng sẽ phải cắt giảm tiêu thụ năng lượng so với kế hoạch đã đặt ra trước đây để đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050.

Dự án của EC cho rằng có thể nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga thông qua thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. EC sẽ đề xuất nâng mục tiêu năng lượng tái tạo cho năm 2030 từ mức 40% lên 45%. Để đạt được mục tiêu này, đến năm 2030, EU yêu cầu các quốc gia thành viên giảm tiêu thụ năng lượng ít nhất 13% so với mức 9% theo kế hoạch cũ. EU muốn kết hợp việc triển khai năng lượng tái tạo nhanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn cùng với đa dạng hóa nguồn cung cấp từ các đối tác quốc tế trong nỗ lực thay thế than, dầu và khí đốt tự nhiên từ Nga.

Chiến lược trên sẽ thúc đẩy Thỏa thuận Xanh cắt giảm lượng khí thải lớn hơn vào năm 2030, có thể tiết kiệm cho Lục địa già 80 tỷ euro tiền khí đốt, 12 tỷ euro tiền dầu và 1,7 tỷ euro tiền nhập khẩu than mỗi năm. Châu Âu cũng đề xuất tập trung vào năng lượng hydro xanh mà lượng tiêu thụ ở EU năm 2030 có thể đạt 20 triệu tấn. Các đề xuất sẽ vạch ra kế hoạch dự phòng trên toàn EU trong trường hợp Nga cắt khí đốt, bao gồm các tiêu chí chung và hành động phối hợp.

Trên thực tế, châu Âu cần hành động khẩn cấp để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, hiện chiếm hơn 40% mức tiêu thụ của EU. Các nhà phân tích cho rằng, việc gia tăng nhanh chóng các loại khí tái tạo (biomethane và hydro xanh) là một phần không thể thiếu của giải pháp này. Năm ngoái, EC đã đề xuất nâng mục tiêu năng lượng tái tạo của EU từ 32% lên 40% vào năm 2030. Đề xuất này là một phần của kế hoạch chi tiết đáp ứng các mục tiêu khí hậu được công bố vào tháng 7-2021, nhằm mục đích giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của EU trước khi kết thúc thập kỷ này. Nhưng với cuộc xung đột ở Ukraine, EC đang tìm cách để đẩy nhanh kế hoạch đó.

Nghị viện châu Âu đã có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc tăng mục tiêu năng lượng tái tạo lên 45% vào năm 2030. Tháng 3 vừa qua, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã thúc giục châu Âu nhanh chóng mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo để đạt được an ninh năng lượng và thay thế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chủ tịch EC nhấn mạnh: “Chúng ta chuyển sang năng lượng tái tạo và hydro càng sớm, kết hợp với tiết kiệm năng lượng hiệu quả hơn, thì chúng ta sẽ thực sự độc lập và làm chủ hệ thống năng lượng của mình càng nhanh”.

Theo kế hoạch, EU có thể giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga trong năm nay. Trong bối cảnh đó, EC đã thúc giục các nước thành viên bổ sung các cơ sở lưu trữ khí đốt trước mùa đông tới. Dự án chuyển tiếp năng lượng nhanh của EC dự kiến sẽ chính thức được công bố vào ngày 18-5. Các kế hoạch có thể được thực hiện đầy đủ vào năm 2030, nhưng các nhà phân tích cho rằng cần phải hành động từ bây giờ. Kế hoạch hành động được thực hiện một cách tổng thể có thể đóng góp đáng kể vào việc sử dụng năng lượng bền vững, an toàn với giá cả phải chăng hơn ở châu Âu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên minh châu Âu: Kỳ vọng độc lập về nguồn năng lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.