(HNMO) - Ngày 3-6, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất áp dụng danh tính kỹ thuật số thông qua một ứng dụng điện thoại thông minh cho 450 triệu người tại toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Công dân EU có thể tự nguyện đăng ký sử dụng danh tính kỹ thuật số, cho phép truy cập một loạt các dịch vụ công và lưu trữ các tài liệu nhận dạng chính thức.
Hãng tin DW (Đức) cho biết, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc phải có một biện pháp giải quyết các thủ tục giấy tờ trong EU. Hồi tháng 5 vừa qua, các nhà ngoại giao EU đã thông qua việc sử dụng chứng chỉ xanh kỹ thuật số, thực chất là hộ chiếu vắc xin, nhằm khôi phục hoạt động đi lại tại EU.
Theo AP, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Cộng hoà Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vắc xin sớm hơn 1 tháng so với kế hoạch chung của EU. Loại hộ chiếu này sẽ được cấp cho những người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, những trường hợp phơi nhiễm nhưng đã có kháng thể, cũng như những người có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với vi rút SARS-Cov-2 trong vòng 72 giờ.
EC sẽ chịu trách nhiệm chính trong đề xuất luật và dự định triển khai dưới dạng một ứng dụng điện thoại thông minh. Thông qua ứng dụng này, công dân EU có thể mở tài khoản ngân hàng, ký hợp đồng thuê căn hộ, ghi danh vào các trường đại học nước ngoài, sử dụng nhiều dịch vụ công, lưu trữ tài liệu nhận dạng...
Phó Chủ tịch EC Margrethe Vestager cho biết, ứng dụng danh tính kỹ thuật số sẽ cho phép EU triển khai một cách bảo mật và minh bạch tại mọi quốc gia thành viên EU mà không mất thêm chi phí và ít gây trở ngại.
Một số quốc gia EU đã có hệ thống danh tính kỹ thuật số quốc gia riêng. Điển hình như Bỉ có thẻ căn cước và ứng dụng di động tương đương có thể được sử dụng để nộp thuế, chuyển khoản ngân hàng hoặc yêu cầu các giấy tờ quan trọng từ chính quyền địa phương.
EC sẽ thảo luận về ứng dụng kỹ thuật số này với các quốc gia thành viên EU, đặt mục tiêu đạt được đồng thuận về chi tiết kỹ thuật trước khi tiến hành các dự án thử nghiệm. Tuy nhiên, trước khi chính thức có hiệu lực, đề xuất này cần được Nghị viện châu Âu (EP) và toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU thông qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.