(HNM) - Tổng công ty Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) vừa phải đình chỉ hoạt động tại hai địa điểm khai thác dầu mỏ lớn là khu cảng Zueitina và mỏ Al-Charara, sau khi đóng cửa một số cơ sở khác do liên quan đến các cuộc biểu tình. Đây là động thái mới nhất làm tê liệt lĩnh vực năng lượng quan trọng ở Libya trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Bắc Phi ngày càng trầm trọng.
Theo thông báo của NOC, một nhóm người đã xông vào cảng Zueitina và ngăn cản các công nhân ở đây xuất khẩu dầu, khiến cho các công ty dầu mỏ như Zueitina, Mellitah, Sarir và AGOCO phải dừng hoàn toàn hoạt động sản xuất.
Tương tự, NOC thông báo đình chỉ hoạt động tại cảng Brega, nơi có công suất xuất khẩu 60.000 thùng/ngày, một ngày sau khi cảng Zueitina và một số địa điểm chủ chốt khác trong khu vực "Lưỡi liềm dầu khí" ở phía Đông Libya đã phải đóng cửa do tình trạng bất khả kháng.
Libya đã chứng kiến nhiều lần hoạt động sản xuất dầu mỏ bị gián đoạn trong cuộc nội chiến nổ ra giữa các phe phái sau sự sụp đổ của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi vào năm 2011. Hiện Libya có hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song kể từ tháng 3-2022, khi Nghị viện ở miền Đông chỉ định ông Fathi Bashagha làm Thủ tướng mới, thay thế ông Abdulhamid al-Dbeibah - người đứng đầu Chính phủ Thống nhất quốc gia (GNU) có trụ sở tại Tripoli. Tuy nhiên, ông A.Dbeibah, người được chọn làm Thủ tướng lâm thời một năm trước trong những cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ, đã từ chối chuyển giao quyền lực cho ông F.Bashagha và vẫn cố thủ ở thủ đô Tripoli với nguy cơ quay trở lại giao tranh hoặc phân chia lãnh thổ giữa các phe đối địch. Do đó, các nhóm vũ trang phong tỏa các cơ sở dầu mỏ tại Libya đang yêu cầu "phân phối công bằng" nguồn thu từ dầu mỏ và chuyển giao quyền lực cho ông F.Bashagha.
NOC gọi việc đóng cửa các cơ sở sản xuất dầu mỏ là “động thái vô lý” phản ánh tình trạng bế tắc đang diễn ra trong nước. Việc đóng cửa có thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng nhiên liệu ở quốc gia giàu dầu mỏ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các giếng dầu cũng như làm mất các cơ hội kinh tế của đất nước. NOC kêu gọi các bên đối thủ không để xảy ra xung đột trong lĩnh vực dầu mỏ để cứu cơ sở hạ tầng vốn đã đổ nát của nước này. Hiện vẫn chưa rõ việc ngừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến sản lượng dầu như thế nào. Trước đây, sản lượng dầu của Libya ở mức khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Nhưng theo ước tính của Bloomberg, sản lượng của nước này giảm 535.000 thùng/ ngày và có khả năng sẽ tiếp tục giảm. Sự sụt giảm này đang khiến quốc gia Bắc Phi mất đi hàng triệu USD doanh thu và diễn ra khi thị trường dầu mỏ toàn cầu đã thắt chặt, với giá dầu thô Brent tăng trên 110 USD/thùng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Các nhà phân tích nhận định, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất dầu mỏ xảy ra vào thời điểm mà Tripoli lẽ ra đang được hưởng lợi và khai thác nhu cầu dầu thô ngày càng tăng của quốc tế. Reuters dẫn lời Jeffrey Halley, nhà phân tích tại Công ty môi giới OANDA (Mỹ), cho biết, với nguồn cung dầu mỏ toàn cầu hiện quá eo hẹp, ngay cả sự gián đoạn nhỏ nhất cũng có khả năng tác động lớn đến giá cả. Bên cạnh đó, việc đóng cửa các cơ sở sản xuất dầu cũng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện tại các nhà máy điện ở Zueitina và thành phố Benghazi, đồng thời dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt ở miền Đông Libya.
Doanh thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với nền kinh tế của một quốc gia có trữ lượng lớn nhất ở Trung Đông - Bắc Phi. Libya có thể là một nguồn thay thế khả thi cho việc cung cấp dầu và khí đốt của Nga cho châu Âu, nâng cao vị thế của Libya, nhưng điều này đòi hỏi sự ổn định chính trị bền vững. Chừng nào còn bất ổn chính trị, đất nước này sẽ còn bị tổn thương do hậu quả kinh tế từ cuộc xung đột Nga - Ukraine.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.