Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang lấy ý kiến về Nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020 tăng từ 150.000-240.000 đồng/tháng. Theo đó, mức cao nhất đạt 4.420.000 đồng/tháng.
Căn cứ vào kết quả của phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2020 là 5,5%, tương ứng tăng từ 150.000- 240.000 đồng/tháng, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất điều chỉnh quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau: Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.
Địa bàn áp dụng mức lương tối thiểu vùng được quy định theo đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh.
Mức lương tối thiểu vùng này là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm.
Mức lương này không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất; cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp.
Việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia và tổ chức sẽ kéo dài đến ngày 17-9-2019. Dự kiến, Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2020.
“Đây là quy trình lấy ý kiến đảm bảo sự minh bạch, dân chủ sau khi Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu. Sau khi hoàn thành lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH sẽ có tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ để ban hành”, đại diện Cục Quan hệ lao động và tiền lương cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.