(HNMO) - Chiều 28-9, Đoàn công tác của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) do Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan làm trưởng đoàn làm việc với thành phố Hà Nội để khảo sát, lấy ý kiến vào dự thảo đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trình bày dự thảo đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính, đại diện Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đã phân tích kết quả đạt được cùng những tồn tại, hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông".
Đề án hướng đến những nội dung cơ bản, như: Tổ chức bộ phận “một cửa” theo hướng phi địa giới hành chính; chuyển giao một số công việc trong quy trình giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Đề án thí điểm sẽ mang lại nhiều lợi ích, gồm: Giúp giảm tải khối lượng công việc, giúp cơ quan hành chính nhà nước tập trung nhân lực, vật lực thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; giảm khoảng 6.400 bộ phận “một cửa”; giảm khoảng 16.300 cán bộ, công chức, viên chức trực tại bộ phận “một cửa”…
Đại diện Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối Nội chính, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính cũng đã trình bày hiện trạng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính và đưa ra 2 mô hình kỹ thuật đề xuất thành lập Trung tâm hành chính công liên thông (MFC). Với mô hình 1, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính từ người dân, doanh nghiệp vẫn do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Với mô hình 2, việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính từ người dân, doanh nghiệp sẽ được thực hiện bằng hình thức xã hội hóa, do doanh nghiệp công ích đảm nhiệm. Yêu cầu kỹ thuật của cả 2 mô hình đều hướng đến hệ thống "một cửa" điện tử tập trung; 100% thủ tục hành chính được công khai; số hóa hồ sơ.
Góp ý vào dự thảo đề án, đại diện các cơ quan, đơn vị đều khẳng định sự cần thiết của việc thí điểm đổi mới trong thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" để giải quyết thủ tục hành chính. Cho rằng đề án có tính khả thi, song các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu đặc thù của từng đơn vị để có cách triển khai phù hợp. Ngoài ra, để triển khai thí điểm hiệu quả, cần quan tâm một số nội dung: Đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin; rà soát và điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính; tuyên truyền để đổi mới nhận thức; làm rõ trách nhiệm trong công tác phối hợp…
Về lựa chọn mô hình, đại diện một số đơn vị ủng hộ mô hình 1 vì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua đã được rèn luyện, có trình độ trong nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số đơn vị lại cho rằng nên chọn mô hình 2 thì mới bảo đảm việc đổi mới căn bản.
Phát biểu kết luận, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan nêu rõ, đề án chỉ mang tính định hướng, việc triển khai thế nào sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương. Các ý kiến góp ý rất trách nhiệm tại buổi làm việc sẽ giúp Văn phòng Chính phủ (cơ quan chủ trì), Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương có liên quan hoàn thiện đề án thí điểm đổi mới việc thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Dự kiến, đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ trong quý I-2021.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.