(HNM) - Theo Bộ Xây dựng, hiện nay, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thiếu trầm trọng, trong khi giá bất động sản, nhất là nhà ở, đất ở liên tục tăng. Thực tế này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để lấp khoảng trống về nhà ở cho công nhân.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn hộ với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng. Trong đó, các dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đã hoàn thành đầu tư xây dựng 12 dự án, quy mô xây dựng khoảng 5.480 căn hộ với tổng diện tích khoảng 274.000m2. Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp mới hoàn thành đầu tư xây dựng 1 dự án, quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ với tổng diện tích 21.500m2.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn hộ, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850m2.
Tổng hợp cả những dự án đang triển khai hoàn thành và đưa vào sử dụng kịp tiến độ thì cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu của hàng triệu công nhân lao động hiện nay. Dự báo giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội khoảng 294.600 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị khoảng 131.100 căn, tổng mức đầu tư khoảng 138.000 tỷ đồng; nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là 163.500 căn, tổng mức đầu tư khoảng 82.000 tỷ đồng.
Qua khảo sát đời sống công nhân ở nhiều tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, sau vấn đề tăng lương tối thiểu, nhà ở là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân lao động. Đây là vấn đề căn cơ, quyết định đến sự ổn định, gắn bó lâu dài của công nhân lao động với việc làm tại các khu đô thị, thành phố lớn. Vì vậy, vấn đề nhà ở cho công nhân luôn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quan tâm từ nhiều năm nay nhưng còn những vướng mắc.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, việc triển khai còn gặp rào cản một số quy định của luật, cụ thể là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Chưa kể, vấn đề thu hút các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân cần sự vào cuộc của toàn xã hội.
Việc thiếu trầm trọng nhà ở cho công nhân cũng được Bộ Xây dựng thừa nhận. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014; trong đó kiến nghị sửa đổi chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng điều chỉnh các quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội, bảo đảm cho chủ đầu tư dự án được hưởng ưu đãi thực chất.
Đặc biệt, với tinh thần an cư mới lạc nghiệp, muốn công nhân yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp, họ phải có chỗ ở đàng hoàng, ổn định, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu tham mưu chính sách tín dụng cho công nhân mua nhà trả góp. Các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh hoàn thiện thể chế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai thực hiện dự án về thiết chế công đoàn để tham gia vào các hoạt động đầu tư nhà ở công nhân và các công trình phục vụ đời sống công nhân như: Nhà trẻ, bệnh viện, siêu thị… Ngoài ra, Chính phủ ban hành nghị quyết, chỉ thị để đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, về quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, đối với nhóm đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã nằm trong chương trình này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.