Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lắp đặt hệ thống thu phí không dừng: Bảo đảm công khai, minh bạch

Lương Ninh Giang| 22/09/2017 07:10

(HNM) - Mới đây, Bộ GT-VT đã ra


Ảnh minh họa: Internet


Sợ minh bạch

Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu các nhà đầu tư BOT hoàn thành ký hợp đồng dịch vụ với Công ty cổ phần VETC, nhà đầu tư và vận hành hệ thống ETC trước ngày 15-7 để lắp đặt, triển khai trước ngày 15-8; đồng thời giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đúng tiến độ. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn trên, nhiều nhà đầu tư BOT vẫn chưa triển khai ký kết, lắp đặt hệ thống thu phí. Lý do được lãnh đạo Bộ GT-VT nhận định là có không ít nhà đầu tư sợ sự minh bạch trong thu phí.

Tại cuộc họp mới đây do Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức, đại diện Công ty cổ phần VETC cho biết, tổng số trạm buộc phải lắp đặt, vận hành hệ thống ETC theo quyết định của Bộ GT-VT là 29 trạm. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 22 trạm ký hợp đồng triển khai và 10 trạm trong số này đã vận hành. Đáng nói, ở một số trạm, trong quá trình đàm phán giữa VETC và nhà đầu tư có lúc lâm vào bế tắc.

Theo ông Nguyễn Văn Ngợi, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 194 (nhà đầu tư BOT - quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa), VETC đưa ra thời hạn ký hợp đồng thu phí ETC trong 5 năm nhưng nhà đầu tư chỉ đưa ra là 2 năm vì sau mỗi năm phải đánh giá lại dịch vụ, trong trường hợp không đáp ứng được thì dừng hợp đồng. Mặt khác, VETC phải xem xét lại điều khoản bảo lãnh hợp đồng ít nhất là phải bằng số tiền thu phí của một kỳ nghỉ dài nhất trong năm (tương đương 5-7 ngày).

Là đơn vị đã qua 7 lần đàm phán vẫn không thể thống nhất, đại diện Công ty TNHH BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp (chủ đầu tư dự án quốc lộ 1 Cần Thơ - Phụng Hiệp) nghi ngại: 29 trạm thuộc dự án nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ ETC là VETC thì liệu có bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng? Nhà nước chỉ nên giao cho VETC cung cấp, lắp đặt thiết bị phần mềm và chuyển giao công nghệ cho nhà đầu tư BOT để tự quản lý thu phí.

Không để "nhờn luật"

Khẳng định quyết tâm của Bộ GT-VT nhằm bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình thu phí, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu, đến ngày 30-9 các nhà đầu tư BOT phải hoàn thành lắp đặt, ngày 15-10 sẽ thu phí thử và đến ngày 30-10 vận hành chính thức. Nếu các nhà đầu tư BOT không chấp hành thời hạn trên sẽ bị dừng thu phí.

Trước lo ngại về tính cạnh tranh, công bằng khi chỉ có một đơn vị đảm trách cung cấp dịch vụ, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, không có chuyện Bộ GT-VT ép buộc và nhà đầu tư BOT nào chưa thỏa mãn với điều khoản đàm phán thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ thẩm tra, chấp thuận và tất cả các hệ thống BOT phải kết nối dữ liệu về Tổng cục để phục vụ công tác quản lý, giám sát. Công nghệ thu phí ETC phải thống nhất trên toàn quốc để mỗi xe chỉ cần dán một thẻ E-tag (thẻ định danh) là có thể yên tâm chạy trên mọi tuyến đường mà không cần quan tâm trạm này là của đơn vị nào thu phí.

Việc lắp đặt ETC là để người dân tin tưởng vào tính công khai, minh bạch của thu phí BOT. Do đó, rất cần cấp có thẩm quyền cương quyết xử lý nếu vẫn còn tình trạng nhà đầu tư chây ỳ, "nhờn luật" để kéo dài thời gian thu phí thủ công, thu lợi bất hợp lý.

Dịch vụ thu phí tự động đường bộ được áp dụng công nghệ RFID, sử dụng sóng radio nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ E-tag được dán lên kính hoặc đèn xe. Từ thẻ E-tag, thiết bị đọc gắn tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ xe. Thời gian xử lý với tốc độ phương tiện qua trạm khoảng 50 giây/giao dịch.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lắp đặt hệ thống thu phí không dừng: Bảo đảm công khai, minh bạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.