(HNM) - Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ ngày 3-6-2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và Nghị quyết 98-NQ/CP ngày 3-10-2017 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TƯ, doanh nghiệp tư nhân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Sự thay đổi đó đến từ những hành động thiết thực của Chính phủ khi đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn; cắt giảm chi phí không cần thiết; hỗ trợ các chương trình khởi nghiệp... để kinh tế tư nhân phát triển lành mạnh.
Là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước, Hà Nội càng tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế phát triển, nhất là kinh tế tư nhân. Từ Chương trình 18-CTr/TU ngày 1-9-2017 của Thành ủy Hà Nội; Kế hoạch 53/KH-UBND ngày 2-3-2018 của UBND thành phố Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình số 18-CTr/TU; Quyết định 4665/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020...,thành phố đã luôn theo sát diễn biến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, sẵn sàng đối thoại, tìm giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp... Vì thế, số doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Song, kinh tế tư nhân vẫn còn những tồn tại như đa số các doanh nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ; quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính yếu nên năng lực cạnh tranh thấp. Chưa kể, nhiều chủ doanh nghiệp chưa có ý thức cao trong chấp hành pháp luật; trình độ quản lý còn nhiều hạn chế...
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, trách nhiệm không chỉ của cộng đồng doanh nghiệp mà cần sự góp sức từ phía các cơ quan chức năng.
Đó là việc mỗi cán bộ, công chức phải tăng cường tính kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.Việc triển khai chính quyền điện tử trên phạm vi toàn quốc góp phần tăng tính công khai, minh bạch... Việc đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục về thành lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, thuế... Tất cả tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, cũng là cách để các hộ kinh doanh cá thể thấy được cơ hội, sự quan tâm của các cấp, từ đó tự nguyện chuyển đổi thành doanh nghiệp...
Nước ta có số hộ cá thể, số doanh nghiệp tư nhân nhỏ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khá nhiều nên việc tạo điều kiện để doanh nghiệp lớn mạnh cũng là yêu cầu đặt ra từ thực tiễn. Muốn vậy, những “điểm nghẽn" về kết cấu hạ tầng, tích tụ, tập trung đất đai... cần được khơi thông hơn nữa. Và chính các doanh nghiệp tư nhân cũng cần thoát khỏi tư duy làm nông nghiệp truyền thống, phải lấy hiệu quả, giá trị làm đầu; tăng tính quy mô, sự liên kết.
Tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp là "tạo bình đẳng" trong phát triển, được "bảo vệ", "khích lệ" và "trao cơ hội". Thông điệp đó cũng đồng nghĩa với việc "xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng..." đã được xác định rõ tại Nghị quyết 10-NQ/TƯ. Khi quan điểm và hành động của cả hệ thống chính trị đã đồng nhất, doanh nghiệp tư nhân cũng phải tự đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu để khẳng định mình... Khi đó, khu vực kinh tế tư nhân sẽ ngày càng lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ đứng vững và bước đi trên đôi chân của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.