Nhắc đến làng Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín người ta nghĩ ngay đến “thủ phủ” sản xuất chăn ga gối lớn nhất cả nước. Có tuổi đời hằng trăm năm, làng nghề Trát Cầu đã trải qua không ít thăng trầm để tồn tại và phát triển, khẳng định thương hiệu riêng cho làng nghề.
Giàu có nhờ nghề
Đến làng Trát Cầu vào bất cứ thời điểm nào, ai cũng ngỡ ngàng bởi sự tấp nập, sầm uất nơi đây. Những chuyến xe tải chở hàng vào ra, những tiếng dệt văng vẳng khắp xóm làng, trong từng nhà. Hiện tại, 100% người dân Trát Cầu đều làm nghề sản xuất chăn, ga, gối điệm.
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, người làng Trát Cầu kiếm sống bằng nghề bật bông với cây sa cán và dây cung, trước đây mỗi nhóm 2 người đi khắp Bắc - Trung - Nam, ai thuê là làm ngay tại nhà. Nghề theo đó mà có tiếng vang khắp cả nước. Từ nghề truyền thống, lớp người sau kế tiếp lớp người trước để duy trì. Trước năm 1945, người dân làm nghề chăn, gối chủ yếu là thủ công, 2 đến 3 thợ một ngày mới làm ra được 1 đến 2 sản phẩm.
Theo chân chị Nguyễn Thị Phượng, đến thăm nhà xưởng sản xuất của gia đình, chúng tôi được nghe kể về sự thăng trầm của làng nghề nơi đây. Chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ, chị là thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghề. Nghe ông bà kể lại, khoảng những năm 1980, nghề khó phát triển, có nhiều gia đình đã bỏ nghề. Thế nhưng, người dân làng nghề Trát Cầu vẫn trăn trở, bởi họ thuộc lòng câu tục ngữ truyền miệng của cha ông: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, nhiều hộ lại xoay sở để duy trì nghề.
Năm 2000 đánh dấu sự phát triển rực rỡ nhất của làng nghề, bởi người làm nghề ở Trát Cầu đã hòa nhịp vào với cơ chế thị trường, theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài chăn, gối là những sản phẩm truyền thống, người Trát Cầu còn phát triển sản xuất ga, đệm bông và xuất bán khắp cả nước. Ông Trần Văn Vinh, chủ sản xuất chăn ga tại Trát Cầu cho hay, để giữ nghề và phát triển, người dân cũng phải “đi đây, đi đó”, tham quan nhiều làng nghề sản xuất khác để định hình được hướng đi. Song, điều cốt lõi vẫn là xu hướng thị trường, thị hiếu người tiêu dùng và chất lượng.
Hiện tại, làng Trát Cầu đã trở thành một trong những đầu mối cung cấp các mặt hàng chăn ga, gối đệm lớn nhất trong cả nước. Bước vào làng Trát Cầu là những dãy phố sầm uất, với hàng trăm cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Khách hàng đến đây có thể tìm mua sản phẩm chăn ga, gối đệm 4 mùa, có mức giá từ bình dân đến cao cấp. Ngoài ra, làng nghề cũng cung cấp nhiều nguyên liệu, phụ kiện đáp ứng cho các cơ sở sản xuất khác trong cả nước. “So với sản phẩm của các hãng sản xuất lớn trong nước, sản phẩm làng nghề Trát Cầu không thua kém về mẫu mã, chất lượng, giá thành lại rất cạnh tranh, thấp hơn từ 30% đến 40%. Sở dĩ làng Trát Cầu có số lượng hàng hóa khổng lồ và giá cả cạnh tranh như vậy là do hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong làng đã có sự liên kết, tương trợ cho nhau”, ông Trần Văn Vinh, chủ cơ sở sản xuất cho hay.
Theo Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn, hiện làng Trát Cầu có hơn 1.200 hộ và có hơn 50 doanh nghiệp sản xuất chăn ga, gối đệm, mỗi doanh nghiệp thường xuyên sử dụng khoảng 20 lao động. Ngoài doanh nghiệp, hàng trăm các hộ làm nghề chăn ga, gối đệm đều đầu tư máy móc hiện đại, như máy trần, máy thêu, dây chuyền sản xuất mút tấm, mút cây, ruột đệm… Nguyên vật liệu được các doanh nghiệp nhập từ các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) để cung cấp cho các cơ sở sản xuất và tạo ra sản phẩm chất lượng, bền đẹp, tiện dụng. Doanh thu của các hộ đạt từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Trát Cầu ngày nay đã có sự chuyển mình rõ nét. Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Đỗ Duy Sơn trải lòng, có thời điểm làng nghề Trát Cầu cũng gây ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ, doanh nghiệp không có mặt bằng sản xuất, sản xuất tại nhà, gây ỗ nhiễm môi trường, từ khí, bụi đến nguồn nước thải.
Ngoài vấn đề môi trường, có thời điểm sản phẩm làng nghề Trát Cầu còn được đánh giá “kém” về chất lượng, mẫu mã. Chị Nguyễn Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất Phượng Thế cho biết, những năm 2000-2005, hầu hết các hộ mới chỉ sản xuất hàng giá rẻ để cung ứng cho thị trường các tỉnh. Mải chạy theo số lượng, nhiều hộ chưa chú trọng đến chất lượng. Sau đó, để làng nghề phát triển bền vững, tạo thương hiệu riêng cho sản phầm Trát Cầu, các hộ đã chủ động cập nhật mẫu mã mới, chọn lựa nguồn nguyên liệu chất lượng, sản xuất những sản phẩm có giá trị cao…. “Nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất đã gắn mác logo của cơ sở trên các sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Phượng cho hay.
Đáng chú ý, từ năm 2002, sau khi được công nhận làng nghề, các hộ sản xuất đã tập trung đầu tư công nghệ, thiết kế mẫu trên máy vi tính. Đến nay, nhiều hộ thiết kế mẫu trực tiếp trên máy; máy tự dệt vải và in, phun, thêu trên vải. Qua đó sản phẩm của làng nghề Trát Cầu đã có những nét riêng biệt về hoa văn và độ tinh xảo của kỹ thuật hiện đại.
Ngoài ra, làng nghề Trát Cầu còn đưa sản phẩm lên các trang thông tin điện tử, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá và bán sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Ông Nguyễn Trọng Hùng, chủ cơ sở sản xuất Hùng Nhung thông tin, gia đình ông đã được bán thông qua trang điện tử, trong đó có cả các đơn hàng xuất khẩu.
Để phát huy giá trị làng nghề và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường, huyện Thường Tín đã xây dựng các cụm, khu công nghiệp, nhằm đưa các hộ làm nghề vào sản xuất tập trung.
Năm 2022, Cụm công nghiệp Tiền Phong giai đoạn 2 có diện tích 8,1 ha, tổng mức đầu tư 198 tỷ đồng cũng đã được xây dựng. Nhờ có các cụm, khu công nghiệp, người dân Trát Cầu nói riêng và nhiều làng nghề khác trên địa bàn huyện có khu vực sản xuất ổn định, bảo vệ môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.