Kinh tế

Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, bền vững

Đỗ Minh thực hiện 20/08/2023 - 06:47

Thường Tín là huyện có số lượng làng nghề lớn nhất thành phố Hà Nội. Phát huy nguồn lực đó, Thường Tín đã và đang quy hoạch, triển khai xây dựng các cụm, khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu hoạt động, sản xuất tại các làng nghề, hướng tới phát triển nền công nghiệp xanh, bền vững. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

bi-thu-huyen-uy-thuong-tin-.jpg
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh.

Chủ động quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề

- Huyện Thường Tín có tới 126 làng nghề thủ công, trong đó có 48 làng nghề được thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là nguồn lực để Thường Tín phát triển lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đồng chí có thể thông tin rõ hơn về nội dung này?

- Với nguồn lực về làng nghề, huyện Thường Tín có lợi thế rất lớn để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đây cũng là định hướng phát triển xuyên suốt trong thời gian qua của huyện. Nhờ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh tế của huyện có sự chuyển dịch và tăng trưởng mạnh. Cụ thể, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt hơn 11.000 tỷ đồng, tăng 11,2% và tổng giá trị thương mại - dịch vụ ước đạt khoảng 9.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước…

Trong đó, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 748.065 triệu đồng, đạt 64,68% dự toán thành phố giao và tăng hơn 72% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này cho thấy, công nghiệp, xây dựng đang là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện, mà khởi nguồn là từ kinh tế làng nghề.

- Huyện đã có giải pháp nào để phát huy tối đa nguồn lực từ kinh tế làng nghề, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp, thưa đồng chí?

- Thời gian qua, nhiều làng nghề của huyện Thường Tín đã có sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, đổi mới công nghệ, xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài; một số làng nghề có sự đa dạng hóa hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh... Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của các làng nghề dẫn đến nhiều mâu thuẫn phải giải quyết, trong đó đáng chú ý nhất là thiếu mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh và chưa có chiến lược, giải pháp thích hợp để giải quyết ô nhiễm môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, cụm công nghiệp chính là giải pháp cho hai vấn đề trên. Xác định, quy hoạch phải đi trước một bước và tạo hạ tầng bền vững cho kinh tế phát triển, thời gian qua, huyện đã chủ động quy hoạch các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề theo đúng quy hoạch chung của thành phố và của huyện.

Đến nay, huyện có 11 cụm công nghiệp đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tương đối ổn định, với tổng diện tích hơn 195ha. Ngoài Cụm công nghiệp Quất Động mở rộng có tỷ lệ lấp đầy 95%, còn 10 cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề khác đạt tỷ lệ lấp đầy 100%. Các cụm công nghiệp này đang thu hút hơn 800 doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Trong đó, các cụm công nghiệp làng nghề thu hút khoảng 350 doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh vào hoạt động, giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động, với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/ người/năm. Đáng chú ý, các cụm công nghiệp đã giải quyết hiệu quả đối với công tác bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề; giải quyết khó khăn, vướng mắc về mặt bằng sản xuất cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm ô nhiễm môi trường làng nghề…

Bảo đảm hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn

- Theo đồng chí, bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển các cụm công nghiệp còn những khó khăn, vướng mắc gì?

- Mặc dù, huyện đã chủ động trong quy hoạch các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, nhất là phục vụ nhu cầu phát triển làng nghề nhưng số lượng cụm công nghiệp còn ít so với nhu cầu thực tế. Không những vậy, các cụm công nghiệp còn nhỏ lẻ, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ và nguồn vốn đầu tư lớn, nên chưa thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề vẫn chưa chuyển vào cụm công nghiệp, gây ô nhiễm môi trường…

- Để khắc phục những hạn chế trên, huyện Thường Tín đã có những giải pháp gì?

- Huyện tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, nhằm huy động thêm nguồn vốn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề. Đặc biệt, ưu tiên xây dựng cụm công nghiệp tại các làng nghề có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất, kinh doanh hoặc những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao.

Mới đây, huyện đã xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp huyện thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, ngoài 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, năm 2020 huyện có thêm 3 cụm công nghiệp được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt thành lập, gồm: Cụm công nghiệp Thắng Lợi (8,9ha), Cụm công nghiệp Tiền Phong mở rộng giai đoạn 2 (8,1ha), Cụm công nghiệp Ninh Sở mở rộng giai đoạn 2 (7,7ha).

Cả 3 cụm công nghiệp đã được UBND thành phố chấp thuận cho thuê đất, giao đất và hiện đang triển khai đầu tư xây dựng các hạng mục hạ tầng theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, UBND huyện tiếp tục đề nghị thành phố cho thành lập 6 cụm công nghiệp với quy mô hơn 37ha và xin mở rộng 2 cụm công nghiệp: Quất Động 2 (4,15ha), Văn Tự giai đoạn 2 (6ha). Ngoài ra, huyện còn bổ sung quy hoạch và thành lập mới cụm công nghiệp Tín An (74 ha) tại địa bàn 3 xã: Tô Hiệu, Thống Nhất, Văn Tự.

san-xuat-do-son-mai-tai-cum.jpg
Sản xuất đồ sơn mài tại Cụm công nghiệp làng nghề Hạ Thái, xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Quang Thái

- Phát triển công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu và là lợi thế cạnh tranh cho chủ đầu tư của các khu, cụm công nghiệp. Đồng chí có thể chia sẻ về những định hướng của huyện đối với phát triển công nghiệp xanh gắn với quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp?

- Phát triển nền công nghiệp xanh, kinh tế xanh là định hướng mà Thường Tín hướng tới. Song, muốn phát triển công nghiệp xanh thì cần phải có hạ tầng tương xứng để thu hút đầu tư, thu hút nguồn lực. Bám sát các tiêu chí, quy định trong phát triển các khu, cụm công nghiệp, Thường Tín đã chủ động trong công tác quy hoạch; đặc biệt, quy hoạch phải đồng bộ, tuân thủ quy hoạch chung của thành phố và huyện đã được phê duyệt.

Ngoài ra, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua huyện Thường Tín đã mở ra kết nối giao thương mạnh mẽ trong thời gian tới. Chưa kể đến việc quy hoạch, phát triển công nghiệp Thường Tín có sự kết nối rõ nét với khu vực vệ tinh huyện Phú Xuyên, huyện Thanh Oai và các tỉnh lân cận. Vì thế, khi triển khai các cụm công nghiệp, huyện yêu cầu đối với quy hoạch sử dụng đất trong cụm công nghiệp và tổng thể cụm công nghiệp cần có sự đổi mới, tạo ra tính chiến lược và linh hoạt, phù hợp với nhiều loại hình đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho loại hình logistics được tích hợp tối ưu trong cụm.

Đặc biệt, phát triển các khu, cụm công nghiệp phải bảo đảm hài hòa lợi ích, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là mục tiêu cao nhất, khai thác tốt các lợi thế tiềm năng của địa phương và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Huyện cũng rà soát, bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân; đồng thời, bổ sung công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kết nối khu công nghiệp với khu dân cư liền kề để cùng phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, bảo đảm cho khu, cụm công nghiệp phát triển bền vững. Liên kết các cụm thành vùng công nghiệp, hình thành vùng công nghiệp chuyên sâu và công nghiệp địa phương.

Thực tế, mô hình khu, cụm công nghiệp xanh đem lại lợi ích cho nhiều phía. Đứng từ góc độ của khách thuê, nhà máy đạt chứng chỉ “xanh” sẽ giúp họ đạt được những yêu cầu từ phía đối tác và mục tiêu phát triển bền vững của bản thân doanh nghiệp. Khi đó, các cụm, khu này không chỉ thu hút nhà đầu tư trong nước, mà cả ngoài nước, tạo động lực lớn cho phát triển công nghiệp và các dịch vụ phụ trợ kèm theo.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bí thư Huyện ủy Thường Tín Nguyễn Tiến Minh: Thúc đẩy phát triển công nghiệp xanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.