Xã hội

Lặng thầm góp sức bảo tồn đình Đại Yên

Hiền Chi 07/08/2023 - 07:37

Ở tuổi 82, bà Trương Thị Phương Nhu (sinh năm 1941), Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn minh mẫn, chu toàn trong mọi công việc.

Với 30 năm tham gia các hoạt động của phường Ngọc Hà, bà Nhu đã có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng, nhất là việc vận động nhân dân tham gia bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống.

truong-thi-phuong-nhu.jpg
Bà Trương Thị Phương Nhu (ngoài cùng bên phải) cùng các thành viên Tiểu ban Quản lý di tích đình Đại Yên (phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) trao đổi về công việc.

Tâm huyết bảo tồn di tích

Năm 1993, ngay khi nghỉ hưu, bà Trương Thị Phương Nhu đã được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Ngọc Hà, sau đó đồng thời làm Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi, đại biểu HĐND phường. Đến năm 2009, bà đảm nhận vai trò Trưởng tiểu ban Quản lý di tích đình Đại Yên. Trong 14 năm qua, bà Nhu đã cùng các thành viên của Tiểu ban Quản lý nỗ lực giữ gìn, bảo tồn giá trị văn hóa của địa phương.

Đình Đại Yên được xây dựng vào khoảng thế kỷ XII-XIII. Nằm giữa một vùng có nhiều di tích cổ, đình Đại Yên dường như nổi bật gắn liền với câu chuyện về nhân vật Ngọc Hoa công chúa, một nữ anh hùng, niềm tự hào của dân làng Đại Yên, tiêu biểu cho truyền thống đánh giặc ngoại xâm của dân tộc. Với những giá trị độc đáo về kiến trúc nghệ thuật, năm 1990, đình được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Dù trải qua một số lần trùng tu lớn, song gánh nặng thời gian khiến nhiều hạng mục xuống cấp.

Tâm huyết gìn giữ các giá trị truyền thống, bà Nhu tìm đọc nhiều tài liệu để hiểu tường tận về di tích và các nghi thức liên quan. Từ đó, bà sâu sát trong việc tổ chức các ngày lễ quan trọng cũng như vận động người dân địa phương chung tay đóng góp bảo tồn và phát huy giá trị của đình làng. Vì đình nằm ở vùng trũng nên những năm trước đây, sau mỗi trận mưa lớn là nước ngập khắp sân. Để tránh nước tràn vào tòa đại bái, bà Nhu đã có sáng kiến cho kè, ốp gạch ở sát chân tường. Bà cũng đặc biệt quan tâm tới việc bảo quản các hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa như: Nhang án, kiệu bát cống, long đình, ngai, bài vị, cửa võng, chóe, đại đao…

Hằng năm, ngoài hai ngày lễ chính của đình Đại Yên (ngày 14 tháng Ba âm lịch và 15 tháng Chạp âm lịch), Tiểu ban Quản lý di tích còn tổ chức các hoạt động ý nghĩa cho nhân dân trên địa bàn, như: Đón Giao thừa, lễ chào cờ vào sáng mùng 1 Tết Nguyên đán, lễ khai xuân vào mùng 4 Tết, lễ mừng thọ người cao tuổi vào mùng 9 Tết… Những hoạt động tuy nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, mang lại niềm vui và sự gắn bó, đoàn kết giữa nhân dân trên địa bàn. Cả 14 năm qua, bà Nhu đều đón Giao thừa tại đình và chuẩn bị các công việc để phục vụ người dân du khách chào đón năm mới tại di tích, đến 2-3h sáng mới về nhà.

Để lo chu toàn mọi việc, bà Nhu luôn mang theo một cuốn sổ nhỏ ghi chép các việc cần nhớ. Với sự cẩn thận và tỉ mỉ của bà, các nghi thức được tổ chức trang trọng theo đúng phong tục truyền thống, ngày càng thu hút được sự tham gia của đông đảo nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương. Đặc biệt, việc thu - chi các khoản kinh phí liên quan đến di tích được bà thực hiện theo đúng quy định trong Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL ngày 6-8-2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về “Quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước”.

Vẹn toàn việc chung, việc riêng

Nhà bà Nhu cách đình Đại Yên khoảng 700m. Hằng ngày, bà vẫn thường đi xe đạp đến đình, khi thì kiểm tra, rà soát các thủ tục, nghi lễ trước ngày lễ hội, khi thì quét dọn khuôn viên di tích sạch sẽ, gọn gàng. Bà Nhu vẫn là Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi khu dân cư số 9 phường Ngọc Hà nên không chỉ làm tốt việc bảo tồn và phát huy giá trị đình Đại Yên, bà còn dành thời gian tim hiểu, nắm bắt tường tận hoàn cảnh của 180 người cao tuổi của khu dân cư, thường xuyên rà soát các trường hợp ốm đau, phải đi bệnh viện điều trị để tổ chức thăm hỏi.

Bà Nhu cũng luôn tích cực với các hoạt động của tập thể tại khu dân cư số 9. Điển hình là bà đã khởi xướng phong trào làm sạch ngõ phố, tích cực vận động mọi người cùng hưởng ứng, trở thành việc làm tự giác. Nhiều năm qua, phong trào này được duy trì thường xuyên với nét riêng là những người tham gia quét ngõ đều là nam giới. Đối với phụ nữ, bà vận động may, mặc áo dài vào những dịp lễ lớn của dân tộc hoặc ngày hội ở khu phố, qua đó, gìn giữ và phát huy nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc.

Gia đình bà Nhu cũng luôn tiên phong trong các đợt quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn của khu dân cư. Gia đình bà đã liên tục 10 năm nhận đỡ đầu cho một cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong khu dân cư với số tiền trợ cấp 2.400.000 đồng/năm.

Bận rộn với công việc chung, song bà Trương Thị Phương Nhu vẫn luôn là người bà, người mẹ mẫu mực trong gia đình. Hằng ngày, bà đi chợ, nấu cơm cho các con, các cháu, chăm sóc gia đình bằng tinh thần sống vui, sống khỏe, sống có ích.

Giờ đây tuổi đã cao và mang trong mình một số bệnh, bà Trương Thị Phương Nhu mong mỏi tìm được người kế cận để toàn tâm, toàn ý chăm lo việc đình. Bà sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm với những lớp thế hệ đi sau để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Chủ tịch UBND phường Ngọc Hà (quận Ba Đình) Nguyễn Văn Tú đánh giá: “Bà Trương Thị Phương Nhu dù tuổi cao nhưng luôn trách nhiệm, nhiệt tình, gương mẫu trong mọi công việc, đặc biệt là rất tâm huyết với việc bảo tồn di tích đình Đại Yên. Bà là người có uy tín trong nhân dân, được biểu dương, khen thưởng ở các cấp. Tháng 7 vừa qua, bà đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký quyết định tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lặng thầm góp sức bảo tồn đình Đại Yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.