Xã hội

Người nông dân 33 lần tình nguyện hiến máu cứu người

Thu Hằng 30/09/2024 16:53

33 lần tham gia hiến máu tình nguyện, vận động được hơn 50 người cùng tham gia hiến máu cứu người là thành tích nổi bật mà ông Đỗ Văn Thọ, 52 tuổi, thôn 5, xã Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) đạt được trong gần 6 năm qua.

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thọ kể: “Từ suy nghĩ “mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, từ cuối năm 2018 đến nay, tôi đã lặng lẽ cho đi những giọt máu của mình với mong muốn được nối dài sự sống cho nhiều người…”.

Nghĩa cử cao đẹp

Chúng tôi đến nhà ông Đỗ Văn Thọ đúng dịp nước sông Tích qua địa phận huyện Thạch Thất đang rút mạnh sau đợt ngập lụt kéo dài do ảnh hưởng của bão số 3.

Đi trên con đường vào nhà vừa cạn nước, ông Thọ cho hay: “Chỉ cách đây mấy ngày, khu vực nhà tôi ở vẫn ngập sâu trong nước lũ khiến việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, nhưng đến kỳ đi hiến máu tình nguyện theo lịch, ngày 19-9 vừa qua, tôi vẫn ra Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để thực hiện nghĩa cử của mình”.

Đưa cho chúng tôi xem 33 tấm Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện do Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội cấp, ông Thọ khiêm tốn: “Được đóng góp những giọt máu của cơ thể mình để cứu người là niềm vinh dự của tôi. Cứ nghĩ đến hằng ngày, hằng giờ, luôn có nhiều bệnh nhân đang mỏi mòn chờ đợi máu của người tình nguyện hiến để duy trì sự sống, tôi lại muốn đi hiến ngay những giọt máu của mình để cứu người”.

anh-tho.jpg
Ông Thọ được cấp 33 Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện kể từ năm 2018 đến nay. Ảnh: Thu Hằng

Khi được hỏi cơ duyên nào đưa ông đến với phong trào hiến máu tình nguyện, ông Thọ kể: “Đó là vào cuối tháng 12-2018. Tối hôm đó, tôi ngồi xem ti vi thấy phát chương trình hiến máu tình nguyện. Theo dõi chương trình tôi được biết, tình trạng khan hiếm nhóm máu O đang xảy ra ở nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trung ương. Biết mình nhóm máu O, sức khỏe tốt nên tôi đã quyết định ra Viện Huyết học - Truyền máu trung ương để khám, xét nghiệm. Sau khi xét nghiệm, đối chiếu với các tiêu chuẩn, đủ điều kiện hiến máu, tôi mừng lắm và đăng ký hiến 350ml máu toàn phần”.

Sau lần đầu tiên đó, ông Thọ đều đặn tham gia hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương và tại xã Hạ Bằng. 3 năm gần đây, đúng ngày mùng 1 Tết âm lịch - dịp khan hiếm máu nhất trong năm, ông Thọ lại vào Viện hiến máu. Năm 2020, ông Thọ là một trong 100 người được Viện Huyết học - Truyền máu trung ương vinh danh đã có nhiều đóng góp trong hoạt động hiến máu tình nguyện.

“Trước khi tham gia hiến máu, tất cả các thành viên trong gia đình tôi đều can ngăn, phản đối. Bố mẹ và vợ tôi đều lo cho sức khỏe của tôi vì là lao động chính của gia đình. Hiện gia đình vẫn cấy 5 sào lúa và có 6 sào trồng sen, nuôi cá. Nhưng vượt qua tất cả những lời can ngăn, tôi quyết tâm đi hiến máu và duy trì đến hôm nay”, ông Thọ chia sẻ.

anh-tho-2.jpg
Ông Thọ tham gia hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương. Ảnh nhân vật cung cấp

Tiếp tục hành trình thiện nguyện

Kể về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong 6 năm tham gia phong trào hiến máu tại xã Hạ Bằng và Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, ông Thọ chia sẻ: “Nhớ nhất là đợt hiến máu ngày 28-6-2019. Hôm đó, vừa đến Viện, khu vực tiếp nhận máu hiến vắng người, các nhân viên làm nhiệm vụ tại đây ai cũng sốt sắng. Tôi hỏi: Sao không khí làm việc ở đây hôm nay lạ thế, trên khuôn mặt ai cũng lo lắng? Một nhân viên ở đây giải thích, hiện nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện đều đang thiếu trầm trọng, nhiều bệnh nhân đối diện với nguy cơ tử vong nếu không có máu… Nghe đến đây, tôi đề nghị các nhân viên kiểm tra kỹ sức khỏe cho tôi, lượng máu về, các chỉ số… nếu đủ điều kiện tôi sẽ hiến 500ml thay vì mức 250ml, 350ml như những lần trước. Và rồi đề nghị của tôi đã thành hiện thực”.

Năm 2021 - năm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, lại là năm ông Thọ hiến máu nhiều nhất với tổng 8 lần.

“Năm đó, việc đi hiến máu khó khăn vô cùng do thành phố Hà Nội hạn chế đi lại, trong khi đó tình trạng khan hiếm máu xảy ra ở nhiều bệnh viện. Do đó, đến kỳ hiến, bộ phận tiếp nhận máu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương gọi điện, tôi lại lên đường. Đến một số chốt phòng, chống dịch, bị chặn lại, yêu cầu quay đầu, tôi phải gọi điện lên Viện để “cầu cứu” mới được đi tiếp”, ông Thọ chia sẻ.

anh-tho-3.jpg
Trong năm 2021, ông Thọ có 8 lần tình nguyện hiến tiểu cầu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất. Ảnh do nhân vật cung cấp

Để nguồn máu hiến của mình được tốt, giúp được nhiều người nối dài sự sống, ông Thọ rất quan tâm đến chế độ ăn uống, hạn chế rượu, bia; duy trì tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe… Đến nay, các thành viên trong gia đình ông Thọ, các cháu họ bên nội, ngoại đều đồng thuận với các quyết định của ông. Từ tấm gương tình nguyện hiến máu cứu người của ông Thọ, hơn 50 người trong thôn, trong xã, bạn bè đồng môn, đồng ngũ… đã noi gương ông tích cực tham gia hiến máu nhân đạo cứu người.

Một trong số đó phải kể đến là chị Nguyễn Thị Bích Nguyệt, ở thôn 1, xã Hạ Bằng, gọi ông Thọ bằng cậu. “Được cậu Thọ tuyên truyền, vận động đi hiến máu tình nguyện cứu người, từ năm 2019 đến nay, tôi bắt đầu tham gia hiến máu và duy trì đến nay”, chị Nguyệt chia sẻ.

Được biết, ngoài tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, chị Nguyệt còn vận động được hơn 10 người thân, bạn bè cùng tham gia hiến máu. Trong đó, có chị gái là Nguyễn Thị Thu Phương mỗi năm đều đặn tham gia hiến máu trong các chiến dịch do huyện Thạch Thất phát động.

Nhận xét về ông Thọ, Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 5 (xã Hạ Bằng) Đỗ Văn Thắng cho biết: “Điều đáng quý nhất ở ông Thọ là không chỉ sẵn sàng tình nguyện hiến máu cứu người, ông Thọ còn tích cực động viên người thân, bạn bè cùng thực hiện nghĩa cử cao đẹp “Hiến máu cứu người”. Chính tôi cũng bị thuyết phục bởi ông Thọ. Đến nay, tôi đã 13 lần tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó nhiều lần được ông Thọ chở lên hiến máu tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương”.

Còn Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hạ Bằng Bùi Văn Tiến nhận xét: "Ông Thọ thực sự là tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương, được cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận, biểu dương. Từ tấm gương tình nguyện hiến máu cứu người của ông Thọ đã góp phần ngày càng lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn xã. Trong 2 năm 2023, 2024, xã Hạ Bằng đều đạt trên 200% chỉ tiêu hiến máu tình nguyện cấp trên giao, được khen thưởng". Hiện, xã Hạ Bằng đã làm hồ sơ trình UBND thành phố khen thưởng ông Thọ danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” năm 2024.

Bước sang tuổi 52, vậy là ông Thọ chỉ còn 8 năm nữa tham gia hiến máu. “Nếu sức khỏe cho phép, tôi sẽ tiếp tục tham gia hiến máu cứu người và vận động ngày càng nhiều hơn số người cũng tình nguyện tham gia hiến máu”, ông Thọ bày tỏ mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người nông dân 33 lần tình nguyện hiến máu cứu người

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.