(HNM) - Hôm nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) - một dấu mốc thiêng liêng, lắng sâu tình cảm, đạo lý của dân tộc!
Lịch sử của Việt Nam lưu dấu những trang vàng sự nghiệp dựng nước và giữ nước với hàng triệu tấm gương chói ngời khí tiết. Kể từ khi có Đảng, suốt chặng đường dài đấu tranh giành độc lập, tự do, bảo vệ vẹn toàn biên cương đất nước - nhiều thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương của mình làm cho lá cờ cách mạng Việt Nam thêm đỏ chói, cho đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương, mất mát do chiến tranh để lại phía sau nó thì không gì bù đắp được.
Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (1960), nói về thương binh, liệt sĩ, Bác Hồ đã căn dặn: “Ăn quả phải nhớ người trồng cây. Trong cuộc tưng bừng vui vẻ hôm nay, chúng ta phải nhớ đến những anh hùng liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta...”.
Suốt 70 năm qua, kể từ ngày 27-7-1947 - Ngày Thương binh toàn quốc được mở đầu bằng cuộc mít tinh lớn tổ chức tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", truyền thống nhân ái, nghĩa tình, toàn Đảng, toàn dân ta đã cùng nhau đồng tâm, hiệp lực trong cuộc vận động ''Đền ơn đáp nghĩa'', tri ân và đền đáp công lao, cống hiến của hàng triệu người có công với cách mạng.
Đã có rất nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan được ban hành; công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được nỗ lực thực hiện; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được hoàn thiện... thể hiện sự trân trọng, biết ơn, chăm lo của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Nhờ các giải pháp tích cực, đến nay toàn quốc đã có khoảng 9 triệu người có công đã được xác nhận, trong đó hơn 1,4 triệu người có công, thân nhân đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, với tổng kinh phí khoảng 29 nghìn tỷ đồng mỗi năm. Mừng hơn là, cả nước có 97% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình nơi cư trú.
Với Hà Nội, hiện có gần 80 vạn người có công với cách mạng, bằng gần 10% tổng số người có công của cả nước. Để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã dành nhiều sự quan tâm, chăm sóc toàn diện đến lực lượng này. TP Hà Nội cũng đã tiên phong và có nhiều giải pháp, cách làm hay để đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống; thực hiện tốt tất cả chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
Trung bình mỗi năm, TP Hà Nội đưa hàng nghìn lượt người có công đi điều dưỡng luân phiên; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng vạn lượt người. Dịp lễ, Tết, thành phố và các địa phương đều trích ngân sách tặng quà các đối tượng chính sách, tổ chức các đoàn thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách tiêu biểu… TP Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công. 10 năm qua, toàn thành phố xác nhận hơn 18,4 nghìn người có công và hiện nay không còn hồ sơ tồn đọng ở cấp thành phố.
''Hiếu nghĩa bác ái'' theo gương Bác Hồ, kế thừa đạo lý truyền thống ''Uống nước nhớ nguồn'', việc đền ơn đáp nghĩa đã trở thành một phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa lớn lao và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia, với các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng mới và sửa chữa nhà tình nghĩa; đỡ đầu con em của thương binh, liệt sĩ; trợ cấp, hỗ trợ các gia đình chính sách... Điển hình như phong trào hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công, trong 10 năm (2007 - 2017), nhân dân cả nước đã góp hơn 3.481 tỷ đồng cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa"; xây dựng gần 90.000 căn nhà, sửa chữa gần 75.000 căn.
Riêng tại Hà Nội, chỉ tính từ cuối năm 2016 đến nay, thành phố huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ 7.566 hộ gia đình người có công còn khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 402 tỷ đồng, trong đó nguồn xã hội hóa hơn 173 tỷ đồng. Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội vận động được hơn 40 tỷ đồng hỗ trợ gần một nghìn gia đình xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Những việc làm ấy góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, động viên khuyến khích các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công vươn lên trong cuộc sống, trong lao động sản xuất cũng như học tập. Bản thân các thương binh, những người có công với cách mạng cũng rất nỗ lực vươn lên, là những tấm gương sáng về ý chí và nghị lực. Thực tế cuộc sống xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên, đi đầu trên trận tuyến chống đói nghèo, lạc hậu; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp...
Kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ là dịp để mỗi chúng ta tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ, tri ân những thương binh đã cống hiến vì độc lập của dân tộc, được ghi nhận như là một biểu tượng của truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa” của người Việt Nam.
Thực hiện tốt chính sách, chăm lo để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn; phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú... - không chỉ là sự vẹn tròn trách nhiệm, vun đắp thêm truyền thống đạo lý dân tộc, mà còn là tình cảm của toàn Đảng, toàn dân, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.