Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nhà trọ Phùng Khoang

Nguyễn Mai| 01/07/2012 08:07

(HNM) - Phùng Khoang là một làng cổ thuộc xã Trung Văn, huyện Từ Liêm. Xưa kia, đây là vùng sản xuất nông nghiệp của kinh thành Thăng Long, từng đi vào câu ca

Người Phùng Khoang chắt chiu từng mét đất xây nhà. Ảnh: Minh Phú


"Sống khỏe" nhờ sinh viên

Khoảng một thập niên trở lại đây, tốc độ đô thị hóa nhanh đã mang đến cho Phùng Khoang một diện mạo hoàn toàn mới. Hàng chục cơ quan, đơn vị, trường học đứng chân trên địa bàn và làng Phùng Khoang đã bị thu hồi hết đất nông nghiệp. Không còn đất sản xuất, người dân Phùng Khoang vẫn "sống khỏe" nhờ dịch vụ xây nhà cho thuê. Nằm ở vị trí gần với hàng chục trường đại học như Đại học Kiến trúc, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Đại học Hà Nội, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn… cùng nhiều trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… Phùng Khoang trở thành "điểm tập kết" của hàng nghìn người từ khắp nơi đổ về. Cứ như lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Trung Văn Nguyễn Trọng Công thì cả thôn Phùng Khoang đã có hàng trăm hộ kinh doanh hàng ăn uống, giải khát; khoảng 350 hộ có phòng trọ cho thuê với số học sinh, sinh viên thuê nhà dao động từ 4.000 đến 5.000 người. Dân số đông, sức tiêu thụ hàng hóa lớn nên chợ Phùng Khoang rộng 1,5ha, họp từ 3-4 giờ sáng đến tối khuya lúc nào cũng tấp nập, mỗi năm doanh thu 7 đến 8 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Phó trưởng Công an xã Trung Văn Nguyễn Đức Toàn cho biết: Hiện làng Phùng Khoang có khoảng 1.000 phòng trọ cho thuê. Nhiều nhà có đất rộng, xây thành dãy dài 2-3 tầng chẳng khác nào "chung cư mini" như nhà ông Nguyễn Văn Mùi có 70 phòng; nhà ông Nguyễn Huy Xướng 40 phòng trọ. Với giá thuê phòng từ 1,2-1,5 triệu đồng/tháng, tính ra mỗi tháng, các hộ thu về từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Nhiều hộ còn tận dụng cả phòng ở không dùng hết để cho thuê, mỗi tháng cũng có thêm 3-4 triệu đồng. Không chỉ vậy, nhiều hộ dân ở Phùng Khoang còn buôn bán, mở các dịch vụ cà phê, internet, cơm bình dân… nên chẳng có ai thất nghiệp.

Những hệ lụy buồn

Việc phát triển dịch vụ thuê trọ đã mang đến cuộc sống ngày càng khấm khá cho người dân, nhưng trước sức tăng dân số quá nhanh cũng đi kèm với không ít hệ lụy mà người dân Phùng Khoang phải gánh chịu. Với 4.000-5.000 người thuê trọ, trong khi số dân gốc của làng chỉ khoảng 3.700 người nên tình hình an ninh trật tự rất phức tạp. Không còn hình ảnh của một ngôi làng cổ yên bình với mênh mông đồng ruộng, cây cối xanh tươi, người dân Phùng Khoang chắt chiu, tận dụng từng mét đất để xây nhà, cho thuê khiến làng quê lúc nào cũng chật như nêm, bí bách. Đông người, nhiều rác thải, khiến việc thu gom gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Thùy, phụ trách công tác vệ sinh môi trường làng Phùng Khoang cho biết: "Mỗi ngày, thôn Phùng Khoang thải ra lượng rác lớn hơn rất nhiều so với các thôn khác trên địa bàn xã". Cùng với rác thải sinh hoạt, hạ tầng xuống cấp, ao hồ trong làng bị san lấp, không còn đồng ruộng để thoát nước nên chỉ một trận mưa to là ngập đường làng.

Thành phần dân cư phức tạp cũng nảy sinh nhiều vấn đề, Chủ tịch UBND xã Trung Văn Nguyễn Trọng Công thừa nhận, mặc dù vài năm gần đây trên địa bàn xã không xảy ra trọng án nhưng chuyện mất cắp vặt, lô đề, say rượu, đánh chửi nhau thì vẫn nhiều. "Thôn Phùng Khoang nói riêng, xã Trung Văn nói chung nằm trong cảnh: "nửa tỉnh, nửa quê". Việc này dẫn đến quản lý an ninh trật tự của xã gặp không ít khó khăn. Nếu là phường thì Trung Văn sẽ được thành lập một đồn công an bảo đảm an ninh trật tự, nhưng là xã thì chỉ có đội công an viên, nhân lực và trang thiết bị hạn chế hơn nhiều…" - ông Công nói.

Trăn trở lớn nhất đối với xã Trung Văn nói chung, Phùng Khoang nói riêng là khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Hiện xã còn 3 tiêu chí chưa đạt trong đó có tiêu chí làng văn hóa. "Dù là làng cổ, có lịch sử văn hóa lâu đời, kinh tế phát triển nhưng Phùng Khoang vẫn chưa được công nhận làng văn hóa. Nguyên nhân do người nhập cư đông hơn dân gốc, trong đó, nhiều người thuộc diện tạm trú, tạm vắng, nay ở mai đi, mang theo tệ cờ bạc, nghiện hút, sinh con thứ ba, địa phương rất khó kiểm soát... Trong khi đây lại là một trong những tiêu chí quan trọng để xét công nhận làng văn hóa" - Chủ tịch UBND xã Trung Văn Nguyễn Trọng Công cho biết.

Đến bao giờ Phùng Khoang mới được công nhận làng văn hóa? Đây là câu hỏi, cũng là niềm mong mỏi của nhiều người dân đang sống trong ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nhà trọ Phùng Khoang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.