Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu, đến Tết Nguyên đán 2025, dự án Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành, đưa vào sử dụng để người dân được vui chơi và xem pháo hoa tại công viên đón năm mới.
Ngay sau khi công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí của UBND thành phố Hà Nội, trong buổi sáng 20-11, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo đã nghe báo cáo về tình hình triển khai, các tồn tại, vướng mắc đối với dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân), một trong những dự án chậm tiến độ kéo dài đang được dư luận xã hội quan tâm.
Còn 9.008m2 chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Công viên hồ Phùng Khoang là một hạng mục công trình thuộc dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang, nằm trên địa bàn 2 quận Thanh Xuân và Nam Từ Liêm. Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 15-12-2008 và điều chỉnh chủ trương tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 31-8-2022 cho phép giãn tiến độ thực hiện dự án “hoàn thành quý IV-2024”.
Tổng mức đầu tư của dự án là 3.483.562 triệu đồng. Chủ đầu tư dự án là Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng đô thị (theo Quyết định đầu tư số 2580/QĐ-UBND ngày 15-12-2008 của UBND thành phố).
Theo Giám đốc Sở Xây dựng, dự án Công viên hồ Phùng Khoang có quy mô sử dụng đất 118.345m2. Trong đó, có các hạng mục: 3.415m2 diện tích công trình phụ trợ, đường dạo, đường nội bộ; 74.540m2 diện tích hồ nước; 40.390m2 diện tích cây xanh.
Tổng diện tích đất được giao để nghiên cứu thực hiện Công viên hồ Phùng Khoang khoảng 118.345m2. Trong đó, phần diện tích đất trên địa bàn quận Thanh Xuân là 5.837m2 và quận Nam Từ Liêm là 112.508m2.
Đến nay, dự án đã hoàn thành GPMB và bàn giao thi công công trình khoảng 109.337m2 (khoảng 92,39%); chưa hoàn thành GPMB khoảng 9.008m2 (tồn tại khoảng 7,61%). Trong đó, có 5.008m2 thuộc địa bàn quận Thanh Xuân (chưa GPMB), thuộc trách nhiệm của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư, UBND quận Thanh Xuân; 4.000m2 thuộc địa bàn quận Nam Từ Liêm (chưa GPMB), thuộc trách nhiệm của Hội đồng Bồi thường hỗ trợ và tái định cư, UBND quận Nam Từ Liêm.
Tại cuộc họp, đại diện chủ đầu tư, UBND hai quận Nam Từ Liêm, Thanh Xuân đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành dự án, như: Việc điều chỉnh quy hoạch khiến một số hạng mục phải thay đổi thiết kế, những khó khăn trong công tác GPMB phục vụ dự án.
Các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Nguyễn Trọng Đông cùng đại diện các sở, ngành liên quan đã lắng nghe những kiến nghị của chủ đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong, việc chưa hoàn thành đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang chủ yếu từ công tác phối hợp, chuẩn bị của chủ đầu tư để thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ phục vụ GPMB chưa hiệu quả.
Dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang (trong đó có hạng mục Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang) được phê duyệt quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 26-1-2007 (về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Phùng Khoang, tỷ lệ 1/500); tuy nhiên, năm 2016 đã được UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tại Quyết định số 3740/QĐ-UBND ngày 7-7-2016 (về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu), tỷ lệ 1/500).
Trong đó, Công viên hồ Phùng Khoang giữ nguyên chỉ tiêu quy hoạch nhưng thay đổi vị trí và hình dáng các công trình phụ trợ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang phải thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi để tiếp tục triển khai, hoàn thiện đối với phần khối lượng xây dựng còn lại. Chủ trương đầu tư dự án tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 31-8-2022 của UBND thành phố xác định có hiệu lực đến hết quý IV-2024, vì vậy cần hoàn thành thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Giám sát chặt chẽ tiến độ GPMB phục vụ dự án
Sau khi nghe các ý kiến báo cáo của các đơn vị chức năng có liên quan, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thời gian qua, thành phố đã tập trung nhận diện, rà soát 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, có những dự án kéo dài 10 năm chưa triển khai, có những dự án thu hồi dở dang gây lãng phí. Thành phố đã đưa các dự án vào diện tháo gỡ để vận hành lại. Với các dự án không thể triển khai vì nhiều lý do khách quan, pháp lý, thành phố đã tiến hành thu hồi.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, riêng đối với lĩnh vực công viên, trong năm 2023, UBND thành phố đã xem xét, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại đối với 2 công viên (Công viên Thiên Văn học và Công viên Cây đàn tại Khu đô thị Dương Nội). Đây là các công trình đã đầu tư xây dựng nhưng do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, không đưa vào sử dụng trong nhiều năm. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt xử lý những tồn tại, đồng thời giảm thiểu việc lãng phí nguồn lực của xã hội, đến nay các công trình này đã được đưa vào sử dụng, khai thác nhằm phát huy giá trị và kịp thời phục vụ nhân dân. Đối với Công viên hồ Phùng Khoang, dù đã hoàn thành xong nhiều hạng mục nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn thành công tác GPMB.
Nhấn mạnh quan điểm của thành phố trong việc xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, các dự án công viên rất quan trọng đối với thành phố. Bởi các dự án này sau khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm bớt ô nhiễm môi trường, tăng diện tích cây xanh và không gian vui chơi giải trí cho dân cư nội đô.
Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư phải làm tốt hơn phần trách nhiệm của mình đối với dự án công trình công cộng; không thể có chuyện dự án khu đô thị đã làm xong từ lâu mà dự án công trình xã hội cả chục năm vẫn chưa hoàn thành.
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh giao Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn giám sát chặt chẽ tiến độ GPMB của hai quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, chậm nhất ngày 15-12-2024 phải xong để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.
Trên tinh thần không chờ đợi, dứt khoát không lùi tiến độ dự án, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các đơn vị tạo cơ chế thông thoáng để làm dự án công cộng phục vụ nhân dân, vừa GPMB, vừa phải hoàn thành các thủ tục thi công. Mục tiêu cụ thể là đến Tết Nguyên đán 2025, dự án Công viên hồ Phùng Khoang phải hoàn thành và đưa vào sử dụng.
“Các đơn vị có liên quan cần tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu để dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân phải được vui chơi và xem pháo hoa tại Công viên hồ Phùng Khoang”, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.