(HNM) - Năm 2005, họa sĩ Công Quốc Hà cùng con gái Công Nữ Hoàng Anh đã khai trương Ngôi nhà nghệ thuật Châu Á - Hà Nội (HAAH) tại Kisa (Thụy Điển). Qua 10 năm, ngôi nhà đã trở thành một địa chỉ nổi tiếng giới thiệu vẻ đẹp và những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam với bạn bè Bắc Âu và quốc tế.
Một góc trưng bày trong Ngôi nhà nghệ thuật Châu Á - Hà Nội. |
Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1979, cũng như bao họa sĩ cùng trang lứa trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, Công Quốc Hà phải vất vả lo mưu sinh thường nhật song vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Ở Công Quốc Hà, khả năng vượt lên để khẳng định mình có từ rất sớm, khi ông chọn sơn mài làm đối tượng nghiên cứu, thể nghiệm và sáng tác suốt hơn 30 năm qua. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cả tuổi thơ gắn bó với từng gốc sấu, hàng me, nên thật dễ hiểu khi tranh của ông luôn có nét hào hoa của người Tràng An, của những phố cổ trầm mặc, những thiếu nữ thanh lịch.
Ý tưởng về HAAH được hình thành từ năm 2000, khi họa sĩ Công Quốc Hà tham gia chương trình giới thiệu và triển lãm các tác phẩm sơn mài của mình tại Bảo tàng Nghệ thuật quốc tế Oslo (Na Uy) cùng tác phẩm của các danh họa Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Văn Đa. Lúc đó, bạn bè đồng nghiệp Na Uy và quốc tế sống và làm việc tại Oslo đến xem triển lãm rất đông, ngỡ ngàng với những gì triển lãm mang lại. Sau đó, họa sĩ Công Quốc Hà đã thăm một phòng trưng bày nghệ thuật tại Stockholm (Thụy Điển) để bàn về việc tổ chức triển lãm của ông và 4 họa sĩ nữa vào năm 2002. Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển lúc đó là Phạm Ngọc Trường không giấu vẻ ngạc nhiên khi thấy bạn bè quốc tế hứng thú và đánh giá cao hoạt động đã khiến họ thêm hiểu biết về hội họa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Qua hai triển lãm trên, họa sĩ Công Quốc Hà đã bàn với con gái là Công Nữ Hoàng Anh (đang sống và làm việc tại Thụy Điển) thành lập phòng trưng bày nghệ thuật HAAH, với mong muốn nghệ thuật Việt Nam sẽ lan tỏa tới bạn bè Bắc Âu và quốc tế trong một tương lai gần. Thu xếp thời gian, tài chính, sức lực, đến năm 2005, ngôi nhà nghệ thuật chính thức hoạt động với mặt bằng khiêm tốn 120m2.
Đến thời điểm này, HAAH đã khang trang hơn. Toàn bộ tòa nhà rộng gần 1.000m2 sàn, gồm 2 tầng, nằm giữa khuôn viên bao quanh là vườn cây cổ thụ 200 năm tuổi với tổng diện tích 6.000m2. Khu trưng bày và khu triển lãm là hai mảng chính của tầng 1 tòa nhà. Khu trưng bày gồm hai phần: mỹ thuật cội nguồn Việt Nam và mỹ thuật đương đại Việt Nam. Cả khu trưng bày có chức năng như một bảo tàng nghệ thuật với bộ sưu tập tranh thờ của một số dân tộc miền núi Việt Nam, các dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng, Làng Sình… Ngoài tranh, còn có bộ sưu tập gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Móng Cái, Bình Dương… nhằm giới thiệu phần nào nguồn gốc và tài năng, trí tuệ của cha ông chúng ta từ xa xưa tới những nghệ nhân tài hoa ngày nay.
Với gần 200 tranh và tượng, phù điêu của các tác giả đương đại Việt Nam, người xem cũng phần nào hình dung được diện mạo mỹ thuật Việt Nam. Khu trưng bày còn dành một phòng lớn trưng bày bộ sưu tập tranh, tượng, mỹ nghệ đời sống của các nước Châu Á và Bắc Âu. Ngoài khu triển lãm với chức năng tổ chức trưng bày tác phẩm thường xuyên, hội thảo về nghệ thuật…, HAAH còn có xưởng in tranh đồ họa cỡ nhỏ để phục vụ các nghệ sĩ tham gia trại sáng tác tại chỗ. Tuy còn khó khăn về tài chính, song họa sĩ Công Quốc Hà mong muốn HAAH sẽ là một địa chỉ văn hóa phi lợi nhuận, nơi lan tỏa văn hóa Việt tới bạn bè Bắc Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.