Sách

Đỗ Cao Bảo - Một tiếng nói quý hiếm cho người Việt

Công Nguyễn 13/04/2024 - 15:10

Tôi không quen biết Đỗ Cao Bảo, vô tình gặp sách của ông: Khát vọng Việt, 2 tập, (NXB Thế giới, 2022), đọc thấy thích, thấy sách Đỗ Cao Bảo quả là một tiếng nói quý - hiếm, mang lại lợi ích thiết thực cho người Việt Nam, nên viết mấy dòng này.

untitled-1.jpg

Quý - hiếm là vì chưa ai bàn một cách chân tâm, nhiệt huyết, sát sao, thiết thực đến vậy về hai chủ đề “sống còn” của người Việt Nam hôm nay. Đó là: Làm sao để người Việt phát huy hết thế mạnh lớn, nhỏ, kiếm được nhiều tiền với một nền doanh nghiệp, một nền kinh tế phát triển vững chắc, dài lâu? Làm sao để người Việt kiếm được nhiều tiền với sự đảm bảo một đời sống văn hóa, nhân văn phát triển?

Tôi nghĩ đã là người Việt Nam có khát vọng làm giàu, đặc biệt những thanh niên Việt Nam nuôi ý chí “lập thân, kiến quốc” thì không thể không đọc hai tập sách này của Đỗ Cao Bảo.

So với nhiều nước trên thế giới, sách vở ở Việt Nam còn nghèo nàn. Tuy nhiên, thời gian qua, đã thấy xuất hiện khá “bộn” các loại sách dịch, trong đó có sách về kinh doanh, quản trị, làm giàu... Không thể phủ nhận những mặt giá trị nào đó của những sách dịch này. Nhưng sách dịch, dù tác giả có lấy ví dụ từ thực tế thì cũng là thực tế ngoài Việt Nam, đối với người đọc Việt Nam, các sách ấy vẫn được xem là “nghiêng” về lí thuyết.

Hai tập sách của Đỗ Cao Bảo thì hoàn toàn khác. Tác giả đã bám rất sát những diễn biến cụ thể của thực tế hoạt động doanh nghiệp, hoạt động kinh tế tại Việt Nam trong mấy chục năm nay để tư duy, phân tích, tạo nên sự thức nhận mới mẻ, có giá trị thực tiễn rất cao. Tiếng nói của Đỗ Cao Bảo là tiếng nói của một người trong cuộc. Nói thông qua việc đã làm, đang làm. Đây là tiếng nói của một nhà trí thức - hoạt động doanh nghiệp, có trách nhiệm, giàu tự trọng, thiết tha với vận mệnh dân tộc. Một tiếng nói đầy khát vọng đổi thay, hướng đến quốc dân, đồng bào Việt Nam. Từ những chuyện cụ thể, tác giả đã nâng lên những vấn đề lý luận, rồi từ lý luận lại soi chiếu, kiến giải các vấn đề đầy nhức nhối của kinh tế - xã hội Việt Nam.

Sách của Đỗ Cao Bảo buộc người đọc phải nghĩ cùng tác giả trên nhiều khía cạnh, nhiều phương diện của từng nội dung mà tác giả đề cập. Nếu nói, một cuốn sách giá trị, trước hết phải là cuốn sách có sức gợi mở, kích thích tư duy mạnh mẽ, khích lệ phản biện, phản tư... nơi người đọc thì rõ ràng Đỗ Cao Bảo đã rất thành công.

Trong “Lời dẫn”( Truyền lửa khát vọng Việt) Đỗ Cao Bảo đã trực tiếp phát biểu: “Tôi nguyện là một đội viên nhỏ bé trong đội ngũ những người rước ngọn đuốc thiêng liêng, truyền lửa khát vọng Việt: khát vọng mang trí tuệ Việt Nam đi chinh phục thế giới, khát vọng rửa nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu, khát vọng vươn tới xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường, sánh vai cùng bạn bè quốc tế, được bạn bè quốc tế nể trọng”(Tập 1, tr.14). Những lời lẽ này dễ gợi cho chúng ta cảm giác nhàm chán, quen thuộc với các khẩu hiệu “suông” của một số người “làm phong trào” nào đó, “chém gió”, đâu đó ở Việt Nam lâu nay. Nhưng đi vào nội dung của hai tập sách, chúng ta gặp một sự thật khác hẳn. Những khát vọng tác giả bộc lộ gắn chặt với những câu chuyện thực tế hoạt động doanh nghiệp gian nan, thành, bại của chính ông và bạn bè, đồng nghiệp. Tâm huyết của tác giả được gửi vào gần một nghìn trang sách(!), đào xới hàng loạt vấn đề bức thiết của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mà tác giả đã và đang trải nghiệm. Hai tập sách cung cấp một nguồn thông tin lớn, khá đầy đủ (nếu không nói là đồ sộ) về nhiều vấn đề kinh tế Việt nam trong quan hệ với nền kinh tế thế giới mấy chục năm qua. Đây là tư liệu quý báu cho những người khởi nghiệp, cho các doanh nhân trẻ Việt Nam, cho những ai quan tâm thời cuộc. Các mục lớn trong hai tập sách đã giúp chúng ta hình dung các chủ đề rộng mà tác giả quan tâm, bao quát: Vì sao đất nước ta còn nghèo; Nhìn ra thế giới; Học từ thành công, học từ thất bại; Mạn đàm về kinh tế; Cái nhìn đa chiều về xã hội; Cuộc sống sắc màu (Tập 1); Hãy là một phần của sự đổi thay kỳ diệu; Doanh nghiệp Việt; Kinh tế và kinh tế số; Tự sự; Khởi nghiệp cho thế hệ trẻ; Xã hội; Nhìn ra thế giới( Tập 2).

Hai tập sách ghi lại những suy nghĩ, phân tích, bình luận... về 206 “chuyện” cụ thể trong hoạt động kinh doanh, sản xuất hoặc liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam(Tập 1: 106 “chuyện”; Tập 2: 100 “chuyện”). Một con số nội dung có thể nói là “khủng” đối với những nhà nghiên cứu, viết sách bình luận kinh tế. Khuôn khổ bài viết nhỏ này càng không thể giới thiệu hết được khối lượng nội dung “khủng” như vậy. Ở đây, chỉ xin chia sẻ mấy cảm nhận mà cá nhân chúng tôi có được khi đọc hai tập sách.

Thứ nhất, nhìn từ góc độ lịch sử văn hóa, tác giả đã có khả năng xâu chuỗi các vấn đề cấu trúc nên tính cách Việt, để cuối cùng phân xuất được những yếu tố cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người doanh nhân, doanh nghiệp, ảnh hưởng đến tư duy làm giàu của người Việt Nam.

Ví dụ như những hạn chế của người Việt biểu hiện ở thói quen: Dễ hài lòng, tư duy nhỏ trong kinh tế, suy nghĩ chủ quan, nền tảng triết lí phát triển yếu. Việc phân xuất chi li các yếu tố tính cách này chỉ ra cái hạn chế cụ thể nhằm mục đích khắc phục nó. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại như thế thì ngòi bút của tác giả chỉ là sự kể lể vụn vặt. Sở dĩ những trang sách của Đỗ Cao Bảo có được bề thế lý luận, gợi mở tư duy là nhờ ở những lý giải về gốc gác tư tưởng của vấn đề.

Chẳng hạn khi phân tích ảnh hưởng lâu dài của hệ tư tưởng Nho giáo trong văn hóa Việt Nam, tác giả đã dựa vào quan niệm nhân sinh để giải thích về sự yếu kém tư duy và hoạt động kinh tế của người Việt. Những nhận định này có thể thấy thấp thoáng ở công trình của các chuyên gia văn hóa, nhưng, khi đặt trong hệ thống tư duy của tác giả thì đã bật ra ý nghĩa thực tế, hữu dụng. “Nho giáo không cung cấp cho ta một triết lý phát triển kinh tế - xã hội thích hợp”, “Nho giáo đánh giá thấp vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp và thương mại”(T.1, tr.35). Đỗ Cao Bảo luôn ý thức việc giải thích sự vật, sự việc bằng những suy luận có cơ sở .

Thứ hai, những so sánh, nhận định hiệu quả của doanh nghiệp, của kinh tế Việt Nam với hiệu quả của doanh nghiệp, của kinh tế các nước trên thế giới bao giờ cũng được thực hiện trên những con số thống kê đầy đủ, chính xác. Tác giả hai tập sách đã thể hiện thói quen tư duy và thái độ làm việc của nhà khoa học chuyên nghiệp. Dù “cườm” bằng ngôn ngữ kể chuyện thì những con số thống kê trong so sánh, phân tích vẫn là tiếng nói thuyết phục. Những câu hỏi tác giả đặt ra nhiều khi “hỏi xoáy, đáp xoay" riết ráo nhưng không bao giờ có tính chất khoa trương, làm dáng, bởi vì nó luôn xoay quanh những con số sát thực của sự vụ, sự việc. Nhận định, bình luận của tác giả luôn dựa trên những khảo sát chuyên môn sâu kết hợp khảo sát xã hội học.

Thứ ba, chúng tôi muốn nói đến “kinh nghiệm và tư duy” của tác giả theo cách hiểu của J. Dewey - nhà triết học giáo dục hành dụng lỗi lạc người Mỹ. Tư duy của người viết không dựa trên sự áp đặt của một lí thuyết nào mà dựa trên những yêu cầu đặt ra của thực tiễn, tư duy từ thực tiễn. Những trang sách của Đỗ Cao Bảo được đúc kết từ hoạt động doanh nghiệp đổ đầy mồ hôi trí não, thậm chí mồ hôi, nước mắt theo nghĩa đen. Tác giả bắt đầu từ những câu chuyện “bếp núc” cho đến những câu chuyện “nghị trường” của các Tập đoàn FPT, Hòa Phát, Viettel... hoặc những quan sát tỉ mỉ về hiện thực thế giới qua những chuyến tác giả hoạt động ở nước ngoài. Kể những câu chuyện thực, nhỏ nhưng lại cho thấy suy nghĩ thực, lớn. Hỏi luôn gắn với truy tìm nguyên nhân, hỏi gắn với mong muốn đi tìm giải pháp. Thường xuyên vang lên trong đầu tác giả những câu hỏi, đại loại như: “ Tại sao các tỷ phú giàu nhất thế giới thì quá nửa là các tỷ phú công nghệ? Tại sao Việt Nam không có tỷ phú công nghệ? Tại sao những người giàu nhất Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản và ngân hàng?” (T.2, Tr.149); “Việt Nam có gì hay?” (T.2, tr.348); “Công ty bé thắng công ty lớn như thế nào?” (T.2, tr.211)...

Thứ tư, sự nhìn nhận, bình luận, phân tích, đánh giá, tổng kết của tác giả cho thấy một tầm tư duy thời đại - thời đại khoa học “liên kết tri thức”, tư duy “tích hợp”. Con mắt “liên ngành” của tác giả với kiến thức phong phú về các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, lịch sử, dân tộc học, phong tục tập quán... đã giúp người đọc có được cái nhìn vấn đề thấu đáo, uyển chuyển hơn. Nguyên nhân là “tổng hòa” của nhiều nguyên nhân. Rõ ràng chúng ta đang sống trong nền kinh tế tri thức. Muốn giàu của cải một cách chắc chắn, vững bền, trước hết phải giàu tri thức. Người đọc thấy được những ưu điểm vượt trội của người Việt Nam, sức mạnh tiềm ẩn của người Việt Nam, đồng thời thấy được những bất cập, yếu kém (và hèn kém) của người Việt Nam ảnh hưởng vừa sâu xa, vừa rất trực tiếp, cụ thể đến sự phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế và văn hóa. Rất cần những thay đổi mạnh mẽ từng ngày, từng giờ để người Việt Nam hòa nhập được vào sự phát triển của nhân loại.

Thứ năm, ngôn ngữ giản dị, tinh tế, xác thực lại được diễn tả bởi một đầu óc có gốc tư duy toán học, logic, sáng rõ, tác giả hai tập sách đã giúp cho việc tiếp thu nội dung dễ dàng hơn ở nhiều đối tượng người đọc. Lối kể chuyện thực tế gần gũi, bình luận vừa nghiêm túc vừa vui, đôi lúc dí dỏm, tin tưởng hướng về tương lai tươi sáng của cộng đồng, hai tập sách đã tạo được một nguồn năng lượng tích cực, vô cùng cần thiết cho người Việt Nam hôm nay.

Hai tập sách dày của Đỗ Cao Bảo, nội dung phong phú như vậy, lẽ dĩ nhiên, nhiều điểm cần đến sự trao đổi của người đọc. Chúng tôi hi vọng có dịp được trao đổi thêm với tác giả ở một số điểm, chẳng hạn như: Tại sao đất nước ta mãi nghèo, vấn đề của Nho giáo; quan niệm về ba loại người: Doanh nhân, thương nhân, con buôn...

Thiết nghĩ, để giải quyết tốt một số vấn đề nội dung trong hai tập sách, rất cần đến những căn bản tri thức triết học, đặc biệt là tri thức triết học xã hội - một nguồn tri thức - tiếc thay đang còn rất hạn chế ở cả nhiều người viết và người đọc Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đỗ Cao Bảo - Một tiếng nói quý hiếm cho người Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.