Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa lòng nhân ái

Bắc Vũ| 16/01/2023 06:25

(HNM) - Thời gian qua, công tác bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm lo cho các đối tượng yếu thế được Đảng, Nhà nước, cùng các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng và quan tâm thực hiện hiệu quả. Những việc làm kịp thời, nhân văn đã lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Nét nổi bật trong năm 2022 là đã có hơn 1,4 triệu lượt người sử dụng lao động và gần 69 triệu lượt người lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 104.000 tỷ đồng; gần 25.000 tấn gạo đã được chuyển đến tận tay hơn 1,6 triệu người; gần 1,2 triệu người có công với cách mạng được nhận trợ cấp thường xuyên... Ngoài ra, Nhà nước đã bảo đảm thực hiện chế độ cho hơn 2,5 triệu người cao tuổi, 1,5 triệu người khuyết tật. Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động tiếp tục được thực hiện hiệu quả. Đời sống của người nghèo từng bước được cải thiện, nâng cao.

Điều ý nghĩa là trong những ngày này, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người lao động khó khăn, người yếu thế, người nghèo… đã, đang được các cấp, ngành, chính quyền các địa phương chăm lo để ai cũng được đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi.

Với tinh thần trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để ai bị bỏ lại phía sau, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 14-1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng và phát triển hệ thống an sinh xã hội hiện đại, đa tầng, bao trùm, bền vững trên cơ sở tiếp thu mô hình quốc tế và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; hỗ trợ người dân ứng phó kịp thời, thích ứng trước các rủi ro trong cuộc sống.

Từ chỉ đạo trên, nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp, ngành, địa phương là cần tiếp tục bảo đảm cơ hội tiếp cận đầy đủ, phù hợp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho nhân dân, nhất là về nhà ở, y tế, giáo dục. Trong đó, vấn đề được nhiều người dân quan tâm là tập trung phát triển nhà ở xã hội và hạ tầng xã hội cho người lao động; xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng phù hợp cho người lao động khó khăn trong việc mua, thuê nhà ở những đô thị lớn.

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, tạo hành lang pháp thông thoáng để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tốt nhất với các chính sách về lao động, việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời có biện pháp ưu đãi, khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, triển khai thực hiện các chính sách đối với người có công với cách mạng, bảo đảm toàn xã hội cùng chung tay chăm sóc người có công.

Hơn hết, việc chăm lo đời sống nhân dân phải trên tinh thần bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tương xứng và đồng bộ với tăng trưởng kinh tế. Các cấp, ngành, địa phương phải kiên quyết không hy sinh an sinh xã hội, môi trường xã hội vì sự phát triển kinh tế đơn thuần.

Bảo đảm an sinh xã hội cho người có công với cách mạng, người lao động khó khăn, người nghèo chính là lan tỏa lòng nhân ái trong cộng đồng. Điều này càng ý nghĩa trong những ngày Tết đến, xuân về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa lòng nhân ái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.