Chị Phạm Thị Nhâm (sinh năm 1980), hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là tấm gương sáng về nỗ lực vượt khó vươn lên làm kinh tế giỏi. Không chỉ đảm đang công việc gia đình, chị còn nhiệt tình tham gia công tác hội phụ nữ, đồng thời có nhiều năm gắn bó với công tác thiện nguyện và lan tỏa được cách sống nhân ái trong cộng đồng.
Gắn bó với việc thiện nguyện
Năm 2023, chị Phạm Thị Nhâm được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Ngày 20-6 vừa qua, chị là một trong 30 người được khen thưởng, tham gia giao lưu tại Hội nghị “Biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt” chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023) do Cụm thi đua số VIII (UBND thành phố Hà Nội) tổ chức.
Chia sẻ về niềm vui đó, chị Nhâm cho biết, bản thân làm mọi việc đều xuất phát từ cái tâm và may mắn là luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của mọi người để làm được những công việc ý nghĩa cho cuộc sống.
Cơ duyên để chị gắn bó với công việc thiện nguyện từ năm 2015. Khi đó, chị đang chăm sóc bố điều trị tại Bệnh viện K thì gặp đoàn từ thiện của chùa Hòe Nhai đến phát cháo, phát quà cho các bệnh nhân. Thấy công việc ý nghĩa với cộng đồng, chị đã trò chuyện với các thành viên của đoàn và xin được tham gia cùng. Từ đó, qua các chuyến từ thiện ở vùng cao, nhận thấy điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh, người dân nơi đây còn vất vả, thiếu thốn, chị giữ liên lạc với các xã, thường xuyên trao đổi tình hình xem nhu cầu địa bàn đang cần những gì rồi đăng trên trang Facebook cá nhân kêu gọi mọi người cùng chung tay ủng hộ quần áo, sách vở, gạo, mỳ tôm…
Trong vai trò là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ sản xuất và kinh doanh của phường Phúc Tân, chị Nhâm vận động các hội viên ủng hộ hiện vật, kinh phí để giúp các cháu nhỏ được nuôi dưỡng trong chùa ở tỉnh Hưng Yên; xây dựng bếp cho trường học nội trú ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang); sửa chữa nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)… Từ đó đến nay, chị liên tục cùng các Phật tử chùa Hòe Nhai và chị em tổ chức các chuyến thiện nguyện ở Hà Nội và các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Hải Dương… Có tháng cao điểm, chị tổ chức được 4 chuyến thiện nguyện.
Ai biết chị Nhâm đều trân quý cách làm từ thiện và tấm lòng của chị. Với những bao tải đồ từ thiện ở các tỉnh gửi về chị tự đi lấy; còn ở nội thành Hà Nội chị hoặc chồng, con tự đến lấy về để tiết kiệm tiền vận chuyển. Trước mỗi chuyến thiện nguyện, hàng về nhiều, chị thường dành 1-2 ngày và nhờ các hội viên cùng đến soạn đồ. Toàn bộ sách vở sắp xếp ngay ngắn theo từng bộ, quần áo được giặt sạch sẽ, gấp gọn gàng chia vào các túi theo độ tuổi để bảo đảm quà từ thiện phù hợp với người được tặng.
Khi biết chị Nhâm làm từ thiện, nhiều chủ cửa hàng bán túi ni lông, bao tải đựng đồ và chủ các nhà xe đã tự nguyện miễn hoặc giảm tiền cước, như một cách đồng hành với chị làm việc thiện. Trong đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp phải giãn cách xã hội, chị Nhâm cũng kết nối giúp nông dân ở Châu Khê (tỉnh Hải Dương) tiêu thụ nông sản là các loại rau, củ, trứng gà.
Tấm gương để mọi người noi theo
Làm nhiều việc thiện, giúp đỡ được nhiều người, song chị Phạm Thị Nhâm luôn nói về mọi việc với sự biết ơn. Chị chia sẻ, thuở bé, gia đình nghèo, cơm không đủ ăn, không đủ tiền đóng học nên chị chỉ được theo học đến lớp 6 rồi đi làm thuê kiếm sống. Dần dần, người làng thấy chị chăm chỉ, chịu khó đã giúp đỡ chị từng bước gắn bó với nghề của quê hương - nghề chế tác kim hoàn. Đến khi lập gia đình, vợ chồng chị phát triển kinh tế gia đình bằng chính vốn nghề của quê hương. Từ chỗ đi làm thuê, chị đã trở thành chủ cửa hàng gia công chế tác kim hoàn giao cho các cửa hàng trên phố Hàng Bạc (Hà Nội), tạo công việc thường xuyên cho từ 3 đến 5 lao động. Người thợ gắn bó lâu năm nhất với gia đình chị đã 19 năm, thân tín như người trong nhà.
Từ sự tốt bụng của chị, những người thợ cũng sẵn sàng làm việc tốt. Tiêu biểu là một đêm mùa đông năm 2020, một bác sĩ quen qua đợt thiện nguyện gọi điện khẩn cấp nhờ chị Nhâm cắt giúp chiếc nhẫn đang bị thắt chặt vào tay của bệnh nhân 17 tuổi, nếu không cắt được thì tay sẽ bị hoại tử phải cắt cả ngón tay. Ngay lập tức chị Nhâm và chồng huy động 4 người thợ của gia đình đến, đồng thời tận dụng các mối quen biết tìm máy cắt ngọc để cắt chiếc nhẫn, vừa cắt vừa liên tục nhỏ nước làm dịu để không gây tổn thương gì đến tay nạn nhân. Đến 4h sáng việc cắt chiếc nhẫn hoàn tất trong sự vui mừng rơi nước mắt của bố mẹ bệnh nhân. Gia đình của nạn nhân cảm kích tấm lòng, sự nhiệt tình và gửi phần quà cảm ơn nhưng chị Nhâm nhất định từ chối.
Noi gương mẹ, hai người con của chị Nhâm cũng giàu lòng tốt, không chỉ học giỏi, khi rảnh rỗi còn sẵn sàng đi lấy hàng từ thiện thay mẹ hoặc tham gia các chuyến thiện nguyện cùng mẹ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Thị Huyền Trang đánh giá: “Chị Phạm Thị Nhâm rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ, đặc biệt là hoạt động nhân đạo từ thiện và văn hóa văn nghệ. Là người cần cù, trách nhiệm, nhiệt tình và rất hòa đồng, chị là tấm gương điển hình để chị em phụ nữ học tập, noi theo. Gia đình chị nhiều năm liền đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, được các cấp, ngành khen thưởng”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.