Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng Ba năm Mậu Tuất), Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài vận động thực hiện Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu.
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương sẽ diễn ra nhiều nơi trên cả nước và ở nước ngoài (ảnh TTXVN). |
Nhân ngày Giỗ tổ Hùng Vương (10 tháng Ba âm lịch), Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp với các Hội đoàn Cộng đồng kiều bào tại Cộng hòa Séc, Liên bang Nga, Hungary, Đức tổ chức Giỗ tổ kết hợp với việc vận động triển khai Dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu''.
Đây là một trong những sự kiện văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài thành kính hướng về quê cha đất tổ. Lần đầu tiên ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' được phát động đồng loạt tại một số nước Châu Âu theo một mẫu kịch bản chung (tuy có phần riêng tùy thuộc vào điều kiện của cộng đồng kiều bào từng nước). Hoạt động này mang tính xã hội hóa, kinh phí do các Hội đoàn Cộng đồng kiều bào Việt tại các nước tham gia đóng góp và phối hợp tổ chức.
Ngoài ra, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động Dự án Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu đã vận động một số đơn vị doanh nghiệp, bà con trong nước tham gia cung tiến 4 bức tượng Vua Hùng, 12 bộ lễ phục cúng Tế, và mâm Lễ vật, cùng đóng góp với Ban tổ chức các nước.
Theo Ban vận động, hằng năm, vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương, cùng với bà con trong nước, cộng đồng kiều bào Việt ở nhiều nước trên thế giới cũng thường tổ chức dâng hương hướng về đất tổ. Tuy nhiên, hoạt động này còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thống nhất, chưa theo một kịch bản chung, chưa thu hút được bà con kiều bào và bạn bè quốc tế... nên việc quảng bá văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa tâm linh ''Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương'' ở nước ngoài chưa có hiệu quả cao. Năm 2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây cũng là di sản văn hóa thế giới duy nhất ở loại hình tín ngưỡng.
Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào Danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại ''đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên dân tộc Việt ở các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới (có cộng đồng người Việt sinh sống), qua đó khuyến khích cộng đồng vừa thừa nhận sự tương đồng văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho việc thúc đẩy sự tôn trọng đa dạng văn hóa''.
Vì vậy, từ năm 2015, ý tưởng và Dự án ''Ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu'' (phối hợp tổ chức thống nhất Ngày Giỗ tổ Hùng Vương và Ngày Việt Nam trên toàn cầu) ra đời với ba mục đích chính yếu, đó là: (1) Bảo tồn và quảng bá rộng rãi Di sản văn hóa phi vật thể Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài, gắn kết sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; (2) Đối thoại, hội thảo/tọa đàm khoa học, kết nối, giao lưu liên văn hóa giữa Việt Nam và các nền văn hóa trên thế giới; (3) Thực hiện chiến lược truyền bá và quảng bá giá trị văn hóa (tâm linh) Việt trên môi trường thực tế (trong đời sống của công chúng kiều bào, bạn bè nước sở tại và quốc tế) và môi trường thực tế ảo/môi trường báo chí - truyền thông quốc tế, một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện và thường niên.
Đây là một dự án văn hóa-xã hội, phi lợi nhuận, nhằm mang lại các giá trị cho các đối tượng công chúng kiều bào Việt trên toàn thế giới. Dự án này mang tính cộng đồng và quốc tế. Ngoài sự tham gia của bà con kiều bào, còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế.
Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra tại một số nước: Cộng hòa Séc, Nga, Hungary, Đức với các hoạt động: Lễ dâng hương Vua Hùng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng về quê hương đất nước và các tiết mục văn nghệ giao lưu với nước bản xứ; hội thảo/tọa đàm khoa học...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.