(HNM) - Thời gian qua, với những bước đi thận trọng, Việt Nam đã tận dụng khá tốt việc chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ, năng lực công nghệ so với các nước. Nổi bật có thể kể đến lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ, sản xuất - lắp ráp ô tô…
Tại Hà Nội, với yêu cầu cao đặt ra trong công tác quản lý đô thị và phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, thành phố đã chú trọng đến hoạt động chuyển giao khoa học - công nghệ từ các nước tiên tiến, phục vụ đời sống dân sinh như xử lý rác, cung cấp nước sạch, y tế, môi trường… Kết quả từ việc hợp tác, chuyển giao đã, đang góp phần thay đổi đáng kể các mặt hoạt động ở những lĩnh vực ứng dụng công nghệ mới, được người dân đánh giá cao.
Dù vậy, thực tế cũng cho thấy, hình thức chuyển giao công nghệ vẫn còn không ít bất cập, làm giảm hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn. Đáng nói, việc nhập khẩu, chuyển giao công nghệ vẫn chủ yếu thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng các dự án này lại chỉ tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp... Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ, chưa tự lực tiếp thu được công nghệ mới; việc hợp tác, chuyển giao công nghệ còn khiêm tốn, chưa hiệu quả…
Trong bối cảnh đó, việc UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 222/KH-UBND thực hiện Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, đã khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ lĩnh vực này, nhất là với công nghệ nguồn, công nghệ cao, công nghệ nền tảng.
Việc trọng tâm nhất hiện nay là các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cần thực hiện tốt Đề án của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 222/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, qua đó góp phần tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Đặc biệt, trong bối cảnh thành phố Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, thì việc thúc đẩy lĩnh vực này đi vào chiều sâu càng cho thấy tầm quan trọng, cũng như tầm nhìn dài hạn đối với việc ưu tiên phát triển các lĩnh vực công nghệ có tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội Thủ đô và cả nước.
Vấn đề cần lưu ý là các cấp, ngành chức năng, cùng với việc thực hiện tốt chiến lược nhập khẩu và chuyển giao công nghệ theo hướng nhất quán, đồng bộ cần gắn chặt với việc đổi mới cơ bản và toàn diện các cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư vốn…
Hơn nữa, trong lĩnh vực thu hút dự án FDI - một lĩnh vực nếu phát huy tốt sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ khoa học - công nghệ, tự tin tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, việc thu hút dự án FDI cần phải cẩn trọng, bảo đảm các yếu tố công nghệ cao, thông minh, thân thiện môi trường…
Các doanh nghiệp cũng phải xác định định hướng phát triển theo tinh thần đổi mới, hội nhập và sẵn sàng làm chủ công nghệ khi được chuyển giao. Bởi, nếu chỉ tập trung khai thác "cơ hội" hoặc duy trì quy mô hiện có về công nghệ, nhân lực... rất dễ rơi vào tình cảnh bị tụt hậu.
Và không có cách nào khác là doanh nghiệp phải đầu tư tương xứng để cập nhật thông tin, nhất là những thành tựu mới nhất về công nghệ sản xuất, quản trị, kinh doanh trên thế giới, từ đó chuẩn bị sẵn nguồn lực thích ứng với công nghệ mới khi được chuyển giao.
Việc chuyển giao công nghệ nhanh là cần thiết, nhưng phải bảo đảm làm từng bước vững chắc, phù hợp với sự phát triển chung, nền tảng sẵn có, không phải cứ “cho” là “nhận”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.