Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làm tốt tự phê bình và phê bình để tăng sức mạnh tổ chức Đảng

Long Hà| 24/08/2020 06:19

(HNM) - Tự phê bình và phê bình - không gì khác, nhằm làm cho mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng trở nên hoàn thiện, mỗi tổ chức Đảng thêm trong sạch, vững mạnh. Bởi lẽ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là một người cách mạng thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.

Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” xuất bản năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Nể nang không phê bình, để cho đồng chí mình cứ sa vào lầm lỗi, đến nỗi hỏng việc. Thế thì khác nào thấy đồng chí mình ốm, mà không chữa cho họ. Nể nang mình, không dám tự phê bình, để cho khuyết điểm của mình chứa chất lại. Thế thì khác nào mình tự bỏ thuốc độc cho mình!”.

Tự phê bình và phê bình quan trọng như vậy, nhưng thực tế không phải lúc nào, ở đâu công tác này cũng được tiến hành đạt hiệu quả như mong muốn.

Thực tế trong sinh hoạt Đảng nhiều nơi, tự phê bình và phê bình thường được tiến hành định kỳ hằng năm gắn với đánh giá xếp loại đảng viên. Thời gian dài như vậy, nên trong bản kiểm điểm công tác mỗi cá nhân cũng như ý kiến góp ý phê bình rất dễ bỏ sót những việc làm chưa tốt, thậm chí cả sai sót. Nếu có nhắc đến thì cũng không đầy đủ, hoặc theo dạng “đậm thành tích, nhạt khuyết điểm”. Cách tổ chức hội nghị đánh giá nhiều khi không có đủ thời gian cần thiết để phân tích sâu, nên hiệu quả càng có hạn.

Tất nhiên, cũng có một dạng phê bình khác là khi cán bộ, đảng viên có việc làm, hành vi sai phạm. Khi đó tự phê bình và phê bình thường nằm trong quy trình xem xét để tiến hành xử lý kỷ luật và bị đặt trước những thách thức to lớn về chất lượng, hiệu quả.

Đã từng có cán bộ, đảng viên “đánh lạc hướng” sai phạm của mình bằng cách tô vẽ những kết quả bề nổi của công việc để che đi những việc làm sai quy định quản lý.

Đã có những cán bộ, đảng viên khi bị phát hiện sai phạm thì tìm mọi cách, mọi mối quan hệ tác động tới người chịu trách nhiệm xử lý để xin xỏ nhằm giảm tội; thậm chí bắn tin kiểu “nếu anh không bảo vệ tôi thì tôi sẽ khai ra vi phạm của anh và anh cũng bị kỷ luật”…

Đã từng có cán bộ, đảng viên được tham gia vào xử lý kỷ luật người khác nhưng thay vì căn cứ các quy định để phân tích làm rõ sai phạm, động cơ, mục đích của hành vi và chỉ ra sự nhận thức cần thiết… thì lại né tránh bằng cách nói vòng quanh và chung chung, không đem lại hiệu quả gì trong việc xem xét kỷ luật.

Đã từng có cả biểu hiện “một chiều” khi phê bình người có sai phạm, chỉ nhăm nhăm vào các khuyết điểm để “kết tội” mà không nhắc gì tới những ưu điểm của họ. Dẫn tới hiệu quả công tác phê bình cũng như xử lý sai phạm không đạt được tới cái đích cần thiết.

V.v...

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra khá rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị trong việc thực hiện công tác này: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng”.

Cuộc đấu tranh trong bản thân mỗi con người, trong nội bộ một tổ chức bao giờ cũng gian khó, vất vả và lâu dài hơn với bên ngoài!

Để nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Đảng, trước hết, cần thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác này. Theo đó, “tự phê bình và phê bình phải đi đôi với nhau. Mục đích là cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau chữa những khuyết điểm”.

Trên cơ sở nhận thức, cần tổ chức thực hiện thật tốt những chủ trương của Đảng ta đã đề ra nhằm nâng cao hiệu quả công tác tự phê bình và phê bình. Với mỗi cán bộ, đảng viên, dù công tác ở lĩnh vực nào, đảm nhận nhiệm vụ chức trách ra sao, tinh thần tự phê bình và phê bình cần thấm sâu và gắn liền với việc nêu cao tinh thần gương mẫu, ý chí vượt khó khăn đi đầu trong hoàn thành nhiệm vụ chức trách, nêu cao đạo đức cách mạng.

Tổ chức gần gũi nhất với mỗi đảng viên chính là chi bộ. Bởi thế, cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng  sinh hoạt chi bộ, trong đó tự phê bình và phê bình cần được tiến hành thường xuyên trong mỗi kỳ sinh hoạt, gắn với đánh giá thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mỗi đảng viên. Xây dựng một quy định về tự phê bình và phê bình sẽ là giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, đồng thời bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh.

Với phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” - cần chú trọng thực hiện thật tốt các giải pháp nêu gương, tu dưỡng rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với những giải pháp rất cụ thể được nêu trong Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị chính là cách thiết thực vừa tự “làm trong sạch” mỗi cá nhân, tập thể, vừa chống những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng.

Trên cơ sở hoàn thiện khung năng lực vị trí việc làm thực hiện thật tốt việc đánh giá thi đua đối với cán bộ, đảng viên theo các quy định của Đảng và Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13-8-2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời phát huy mạnh mẽ cơ chế giám sát cán bộ, đảng viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để hội tụ sức mạnh toàn dân trong công tác xây dựng Đảng.

Và một điều không thể thiếu là cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức, các quy định của Đảng để thúc đẩy công tác tự phê bình đạt chất lượng, hiệu quả hơn.

Vẫn trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”.

Làm tốt tự phê bình và phê bình nhất định sẽ tăng sức mạnh cho tổ chức Đảng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt tự phê bình và phê bình để tăng sức mạnh tổ chức Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.